Sau sáp nhập, mức sinh của 34 tỉnh, thành phố thế nào?

Theo tính toán của Cục Thống kê, Bộ Tài chính về số liệu liên quan đến mức sinh (tổng tỉ suất sinh) của 34 tỉnh/thành phố sau sắp xếp năm 2024 có sự thay đổi ở một số tỉnh mới sáp nhập.
Cục Thống kê đánh giá đây là một chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030 và có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Theo nguồn số liệu công bố, tổng tỉ suất sinh (TFR) năm 2024 của 34 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp có sự thay đổi về mức sinh thay thế.
Cụ thể, từ 21/63 tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế, sau khi sắp xếp lại tỉnh, thành phố hiện cả nước có 13/34 tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế (tổng tỉ suất sinh < 2,1 con/phụ nữ).
Trong đó, 5 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước là TP.HCM (1,43 con/phụ nữ); Tây Ninh (1,52 con/phụ nữ); Cần Thơ (1,55 con/phụ nữ); Cà Mau (1,58 con/phụ nữ) và Vĩnh Long (1,60 con/phụ nữ).
18/34 tỉnh có tổng tỉ suất sinh đạt mức sinh thay thế đến dưới mức sinh cao (tổng tỉ suất sinh từ 2,1 con/phụ nữ đến dưới 2,5 con/phụ nữ).
3/34 tỉnh có mức sinh cao (tổng tỉ suất sinh từ 2,5 con/phụ nữ) là Lào Cai (2,5 con/phụ nữ); Tuyên Quang (2,55 con/phụ nữ) và Điện Biên (2,65 con/phụ nữ).
Trước khi sáp nhập các tỉnh, thành, TP.HCM vẫn là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước với 1,39 con/phụ nữ. Hà Giang có mức sinh cao nhất cả nước (2,69 con/phụ nữ), cao gần gấp đôi so với TP.HCM.
Trước đó, năm 2020, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ở các vùng có mức sinh thấp.
Theo thống kê, vùng mức sinh thấp bao gồm 21 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Đây là 21 địa phương nằm trong chương trình điều chỉnh mức sinh thấp. Như vậy, sau khi sáp nhập sẽ có 13 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và các địa phương này sẽ nằm trong chương trình điều chỉnh mức sinh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến sinh.
Hiện các tỉnh, thành phố hỗ trợ trung bình 1 triệu đồng đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Riêng tỉnh Hậu Giang còn hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí...
Mới đây, TP.HCM đã lập danh sách hỗ trợ phụ nữ nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi với chi phí 3 triệu đồng.