Nhảy đến nội dung

Sau Nghị quyết là triển khai hành động

Ngay sau khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, các doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng việc đưa nghị quyết vào cuộc sống sẽ được triển khai "thần tốc" như cách những gì mà Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã làm.

Cắt giảm mạnh thủ tục, chính sách nhất quán...

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, doanh nghiệp gắn bó và tâm huyết với các dự án phát triển nhà ở xã hội, đánh giá Nghị quyết 68 làm "nức lòng" cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề bây giờ là hiện thực hóa nghị quyết vào cuộc sống. Chẳng hạn, với lĩnh vực đầu tư bất động sản, lâu nay một dự án nhà ở xã hội phải mất 3 - 5 năm chỉ để xin các thủ tục, cần không dưới 100 con dấu của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, phải thực hiện ít nhất 9 lần các thủ tục liên quan đến quy hoạch… 

Với định hướng rất rõ ràng từ Bộ Chính trị, cắt giảm thủ tục 30% thì thời gian sẽ còn khoảng 1 năm, vừa giúp giảm mạnh chi phí, vừa đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường. "Trên rất nóng rồi, quyết liệt rồi, tôi mong cấp chính quyền cơ sở phải "nóng" tương đương. Để làm được như vậy, phải có một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết các thủ tục. Một cửa cụ thể chứ không thể một cửa trên giấy tờ sẽ cởi trói cho tư nhân bung ra làm ăn", ông Lê Hữu Nghĩa kỳ vọng.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty luật Phạm Hưng, cho rằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội là cái khung tạo niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp. Ngay lúc này, vai trò chính quyền cơ sở rất quan trọng. Ở cấp bộ ngành, cần đẩy mạnh cắt giảm các điều kiện kinh doanh, bỏ các loại giấy phép con, giấy phép cháu; đơn giản hóa các quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh, thuế, hải quan… làm thế nào để xử lý vấn đề cho doanh nghiệp nhanh nhất có thể. Đẩy mạnh đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền, bộ ngành theo hình thức đơn giản, nhanh, gọn nhất có thể. Kế đó là hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; giám sát, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; nâng cao trình độ công chức…

"Trung ương đã đột phá về cơ chế, không có lý do gì mà cấp chính quyền cơ sở lại không làm được. Doanh nghiệp đặt kỳ vọng rất lớn vào công cuộc đột phá cải cách thể chế, hiện thực hóa thể chế kỳ này", ông Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh.

Nhanh chóng chỉ định đơn vị rà soát các điều kiện kinh doanh, pháp lý...

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Nghị quyết về kinh tế tư nhân đã có định hướng giải pháp rất rõ ràng, tính đột phá rất cao thể hiện đổi mới tư duy của Đảng trong cách tiếp cận, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 198 để triển khai. Vấn đề là phải hiện thực hóa thể chế bằng văn bản pháp luật để thực thi luôn. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ Chính phủ trong việc nghiên cứu tổng thể, nhận diện ở lĩnh vực nào, đất đai hay đầu tư, thủ tục hay điều kiện kinh doanh… cần đột phá cải cách để mở rộng không gian cho tư nhân cất cánh.

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, trước mắt Chính phủ cần chỉ định một đơn vị có nhiệm vụ rà soát tổng thể các vấn đề đang ngáng đường cho khu vực kinh tế tư nhân lâu nay. Việc rà soát này không thể giao cho các bộ ngành làm, bởi sẽ thiếu khách quan và không tự đánh giá được tính hiệu quả. Chẳng hạn, các điều kiện kinh doanh của các ngành nghề, xưa chúng ta có 15 đầu mối quản lý, nay đầu mối quản lý giảm thì thủ tục cũng phải giảm theo. 

"Còn nhớ, vào những năm 2016 - 2017, chúng tôi mất 1 năm rưỡi để thực hiện cuộc tổng rà soát và kết quả là có đến 6.000 điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý, cuộc cắt giảm diễn ra quyết liệt sau đó. Nay tần suất đòi hỏi phải nhanh hơn, nhanh nhất có thể. Kế đó là các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như Quốc hội yêu cầu. Đặc biệt, phải có nhóm giải pháp mới liên quan các mô hình mới về công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao, AI…

"Cải cách thời nào cũng vậy, muốn tạo thuận lợi môi trường kinh doanh phải cắt bỏ các điều kiện không thực tiễn. Cách thức giải quyết các vấn đề khá tương đồng, tuy nhiên, ngày nay đã xuất hiện một số mô hình kinh tế mới, xu hướng mới, nên bắt buộc chính sách phải mới. Công cuộc thể chế hóa lần này với áp lực thời gian quá ngắn, cần tránh tối đa xung đột mâu thuẫn lợi ích; tăng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Chẳng hạn, lĩnh vực giao thông xây dựng có thể ngồi lại với quản lý đất đai để có tiếng nói chung hướng tới lợi ích chung", bà Thảo lưu ý.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright VN) cũng đề xuất, trong năm nay, Chính phủ cần tập trung thực hiện một số hành động ưu tiên trong cải cách thể chế và pháp luật, khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm công bằng và bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, rà soát và bãi bỏ ngay các quy định phân biệt đối xử, hạn chế không hợp lý đối với kinh tế tư nhân; chủ động tổng rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, đấu thầu, tiếp cận tín dụng và thị trường; ưu tiên sửa đổi các luật và nghị định còn ràng buộc doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành nghề phi truyền thống, công nghệ cao, dịch vụ sáng tạo. 

Bên cạnh đó, xây dựng các quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch về quyền sở hữu tài sản, bao gồm cả tài sản vô hình, tài sản số và tài sản trí tuệ, nhằm tạo niềm tin dài hạn cho nhà đầu tư tư nhân; chống độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, nhất là trong các lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế, bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp nội địa.

Những việc làm trên, theo chuyên gia này "không khó nếu quyết tâm thần tốc như các cấp cao ra nghị quyết". Với địa phương, bộ quản lý, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn kiến nghị phải có chính sách giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, đồng thời đơn giản hóa ngay các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai, đầu tư. Bên cạnh đó, phải rà soát và cắt giảm quy trình, giấy tờ không cần thiết, số lần đi lại và thời gian xử lý hồ sơ, ưu tiên các lĩnh vực có tần suất giao dịch cao của doanh nghiệp và áp dụng rộng rãi thủ tục trực tuyến một cửa, liên thông giữa các bộ ngành…

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn