Nhảy đến nội dung
 

Sau mưa lớn chiều qua, thời tiết TP.HCM những ngày tới ra sao?

Sau mưa trái mùa trên diện rộng chiều 23/4, cơ quan khí tượng dự báo từ hôm nay đến 26/4, TP.HCM tiếp tục duy trì trạng thái nắng nóng ban ngày, chiều tối khả năng mưa rào và dông.

"Nhiệt độ cảm nhận" có thể hơn 50 độ?

Trước đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo nhiệt độ cảm nhận cao nhất ngày 23/4 ở TP.HCM lên đến 53 độ C, ngày hôm nay (24/4) là 52 độ C. Nhiệt độ cảm nhận và nhiệt độ dự báo có sự chênh lệch lớn. Nguyên nhân do đâu?

Theo chuyên gia khí tượng, nhiệt độ dự báo là số đo nhiệt độ không khí tại một địa điểm cụ thể, thường được ghi nhận ở độ cao khoảng 2 mét trên mặt đất trong điều kiện tiêu chuẩn (không có ánh nắng trực tiếp, gió nhẹ…). Đây là con số được các trung tâm khí tượng công bố chính thức trong các bản tin thời tiết.

Trong khi đó, nhiệt độ cảm nhận là mức nhiệt mà cơ thể con người thực sự cảm thấy, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như độ ẩm không khí, bức xạ mặt trời và vật liệu xung quanh. Cụ thể, độ ẩm cao khiến cơ thể khó thoát mồ hôi, làm cảm giác nóng tăng lên; nắng chiếu trực tiếp hoặc các bề mặt như nhựa đường, bê tông hấp thụ và tỏa nhiệt sẽ khiến môi trường xung quanh ở một khu vực nhất định thêm oi bức, nhiệt độ sẽ có sự chênh lệch so với dự báo.

Ví dụ, khi dự báo thời tiết ghi nhận nhiệt độ 35-36 độ C, nhưng do các yếu tố trên, nhiệt độ cảm nhận ngoài trời thực tế có thể lên tới 40–50 độ C hoặc cao hơn.

Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ dự báo, mức nhiệt độ cảm nhận ở một số nơi tại TP.HCM trong ngày 23/4 có thể đạt 53 độ C và ngày 24/4 có thể đạt 52 độ C. Tuy nhiên, mức nhiệt độ cảm nhận này chỉ xuất hiện ở một số khu vực phụ thuộc vào nhiều yếu tố và môi trường xung quanh.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, cho biết: "Con số hơn 50 độ C chỉ là nhiệt độ cảm nhận. Thực tế, nhiệt độ cao nhất ngày là 35-36 độ C, đây là mức nắng nóng bình thường, không có dấu hiệu bất thường".