Sau loạt vụ thuốc, thực phẩm giả, Thứ trưởng Y tế yêu cầu tăng kiểm tra đột xuất

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý việc công bố và tự công bố sản phẩm, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất thay vì theo kế hoạch hay thông báo trước.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương về tình trạng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả diễn ra ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhiều lần nhắc lại câu hỏi: Vì sao đã có hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn chuyên môn rõ ràng, nhưng các vụ sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm giả, thuốc giả vẫn liên tiếp xảy ra?
Hàng giả len lỏi, pháp lý chưa đủ sức răn đe
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả bao gồm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa, mì chính, hạt nêm, dầu ăn… Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, gây bức xúc trong dư luận.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng thừa nhận, chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh. Hành vi sản xuất buôn bán hàng giả chỉ bị xử lý hình sự nếu trị giá từ 30 triệu đồng trở lên.
Ông Hùng lấy ví dụ, cơ sở kinh doanh thuốc Clorocid TW 3 giả, lọ thuốc chỉ khoảng 30.000 đồng, chỉ bày bán 2-3 lọ thuốc. Khi bị phát hiện, cơ sở chỉ bị phạt từ 2-6 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm.
Lách luật, quảng cáo sai lệch tràn lan
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết qua hậu kiểm đã phát hiện nhiều vi phạm như sản phẩm chưa công bố, giả nhãn hiệu, nguồn gốc và chất lượng.
Hiện chỉ 3 nhóm thực phẩm bắt buộc phải đăng ký công bố, còn lại chủ yếu là tự công bố nên một số doanh nghiệp đã "lách luật". Không ít sản phẩm dán nhãn “nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu” nhưng thực tế là hàng trong nước, chất lượng chỉ đạt 10-30% so với công bố.
Nhiều công ty còn làm giả tem nhãn thương hiệu lớn, thành lập nhiều công ty phân phối, thuê bác sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai công dụng. Hàng giả chủ yếu được tiêu thụ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, tính ẩn danh cao, gây khó khăn cho giám sát.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế thông thoáng trong công bố sản phẩm để làm ăn phi pháp. Các sản phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt cần được đăng ký bản công bố thì doanh nghiệp lại "lách luật", tự công bố là thực phẩm bổ sung.
Vấn đề hậu kiểm dù rất quan trọng nhưng ở các địa phương, nhân lực và kinh phí để thực hiện hậu kiểm còn khó khăn.
Từ quan điểm của các địa phương, ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cũng thừa nhận việc xử lý cơ sở vi phạm đôi khi khó khăn khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan nhiều tỉnh, thành. Ngoài ra, phát hiện vi phạm phụ thuộc lớn vào phản ánh từ người dân. Việc xác định chủ thể quảng cáo trên môi trường điện tử cũng là trở ngại lớn.
Chưa kể, khi phát hiện vi phạm, quá trình xử lý thường chậm trễ vì phải phối hợp nhiều đơn vị, vượt ngoài thẩm quyền của sở.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý việc công bố và tự công bố sản phẩm; tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất thay vì theo kế hoạch hay thông báo trước "vì chỉ kiểm tra báo trước, định kỳ thì ở đâu cũng tốt".
Ông Tuyên cũng đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và thuốc giả, "nếu không rất khổ cho cơ quan quản lý nhà nước và khổ nhất là người dân", đồng thời cần kiểm nghiệm định kỳ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Y tế kêu gọi các nhà khoa học, cán bộ, quản lý ngành y dù đương chức hay nghỉ hưu không tham gia quảng cáo sai sự thật, tránh tiếp tay cho sai phạm.
Bộ Y tế khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan công an truy quét tận gốc nơi sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Với thuốc bán qua Internet, cần có biện pháp quản lý đặc thù, theo dõi và xử lý kịp thời để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng.