Sau câu nói của bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu 'Pháo' được giảm 200 tỉ tiền đất

Sau ý kiến của bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu "Pháo" đã chi tiền tỉ lo lót nhiều lãnh đạo ở Vĩnh Phúc để được giảm giá đất dự án chợ đầu mối từ 700 tỉ xuống còn 500 tỉ, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 200 tỉ.
Theo cáo trạng mới được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, chỉ tính riêng tại dự án chợ đầu mối, ông chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (thường gọi là Hậu "Pháo") đã chi tiền tỉ lo lót nhiều lãnh đạo ở Vĩnh Phúc để dìm giá đất thấp hơn 200 tỉ đồng so với thực tế.
Hậu "Pháo" nhờ bí thư tỉnh tác động để dìm giá đất
Cáo trạng thể hiện, từ sự "ưu ái" của cựu bí thư Hoàng Thị Thúy Lan và cựu chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành, Hậu "Pháo" đã thâu tóm được dự án chợ đầu mối.
Sau khi công ty của Hậu được làm chủ đầu tư, không phải đấu giá quyền sử dụng đất, ngày 1-6-2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao hơn 122.250m2 đất các loại đã giải phóng mặt bằng tại huyện Vĩnh Tường cho doanh nghiệp này. Công ty của Hậu "Pháo" phải có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất và được giảm một phần giá trị khi định giá tính tiền sử dụng đất đã giao, Hậu liên hệ với ông Nguyễn Văn Khước, khi đó là giám đốc Sở Tài chính (sau này là phó chủ tịch tỉnh) nhờ giúp đỡ trong định giá đất.
Ông Khước đồng ý, giới thiệu Hậu gặp Chu Quốc Hải (phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng Hoàng Văn Nhiệm (phó giám đốc Sở Tài chính) để nhờ tạo thuận lợi trong thẩm định giá đất.
Quá trình thuê đơn vị tư vấn định giá đất, bà Đinh Thị Thu Hương (trưởng phòng giá Sở Tài nguyên và Môi trường) đã nhờ ông Cao Đại Nghĩa (phó phòng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) định giá đất tại dự án chợ đầu mối.
Do không có tư cách pháp nhân ban hành chứng thư nên Cao Đại Nghĩa đã thuê Công ty Nam Hà ký hợp đồng dịch vụ định giá, rồi ban hành chứng thư xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với lô đất ở thương mại 5,4ha của dự án là hơn 708,5 tỉ đồng, cáo trạng nêu.
Tuy nhiên ông Hậu không đồng ý, cho rằng giá trị định giá này quá cao nên đã tìm đến nữ bí thư Hoàng Thị Thúy Lan trao đổi.
Sau khi Hậu nhờ vả, bà Lan trực tiếp chỉ đạo ông Khước "kiểm tra lại cách tính toán cho phù hợp với lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp".
Sau chỉ đạo "mở đường" của bí thư, Hậu quay lại gặp nhóm ông Khước, Nhiệm, Hải đề nghị giảm giá trị định giá đất xuống và được đồng ý.
Nhiều lần chi tiền cho nhóm cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc
Sau thỏa thuận với Hậu "Pháo", ông Hoàng Văn Nhiệm đã ký văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu công ty tư vấn khảo sát, tính toán lại tiền sử dụng đất và thuê đất hằng năm đối với dự án trên.
Tiếp đó ông Chu Quốc Hải tổ chức và chủ trì cuộc họp với các sở ngành và kết luận Công ty tư vấn phối hợp với chính quyền địa phương để điều tra lại, bổ sung phần tài sản so sánh để tính toán giảm giá đất.
Các đơn vị sau đó cùng nhau đi khảo sát lại song Công ty Nam Hà trả lời không thay đổi kết quả chứng thư vì không có cơ sở để điều chỉnh. Thế nhưng sau khi có ý kiến của Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, Cao Đại Nghĩa cùng với công ty tư vấn đã dự thảo điều chỉnh giá trị khu đất 5,2ha xuống còn 639 tỉ đồng.
Tuy nhiên mức giá trên vẫn chưa được chấp nhận nên tháng 12-2018, ông Nguyễn Văn Khước đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định giá đất cùng Hoàng Văn Nhiệm, Chu Quốc Hải và tổ giúp việc, thống nhất giá đất dự án là giảm xuống còn 507 tỉ đồng.
Viện kiểm sát cho rằng việc tạo điều kiện điều chỉnh giảm giá đất để tính tiền sử dụng đất cho Công ty của Hậu "Pháo" phải nộp từ 708 tỉ đồng xuống hơn 507 tỉ đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 200 tỉ.
Viện kiểm sát cáo buộc Hậu đã nhiều lần đưa tiền hối lộ bà Lan tổng 25 tỉ đồng và 1 triệu USD.
Để cảm ơn việc giúp đỡ giảm giá đất, Hậu "Pháo" đã 3 lần đưa tiền cho ông Khước tổng 20.000 USD và 3 tỉ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cũng "cảm ơn" ông Hoàng Văn Nhiệm 1,45 tỉ đồng và Chu Quốc Hải số tiền 100 triệu đồng cùng 20.000 USD.
Hậu còn thông qua người khác đưa 1 tỉ đồng cho bà Đinh Thị Thu Hương và đưa 200 triệu đồng cho Cao Đại Nghĩa, cáo trạng nêu.