Sau 5 năm dùng thẻ tín dụng, người đàn ông hé lộ 4 điều để không tự mình biến thành “con nợ”, vẫn có tiền cầm về mỗi tháng

Thẻ tín dụng có lợi ích hay không còn phụ thuộc vào cách sử dụng của bạn.
Nhiều người vẫn nghĩ thẻ tín dụng là “con dao hai lưỡi”, dễ đưa họ vào vòng xoáy chi tiêu không kiểm soát rồi ngập trong nợ nần. Nhưng với Đinh Hùng (30 tuổi, TP. Hải Phòng), đây lại là công cụ thanh toán “okela” nếu bạn chịu đọc kỹ điều khoản, hiểu rõ cách vận hành và dùng một cách tỉnh táo.
“‘Thẻ tín dụng là con dao hai lưỡi’ - mình nghĩ câu này đúng nhưng còn thiếu. Mình đã dùng thẻ tín dụng suốt 5 năm. Trước đây, mình cũng từng dè chừng dùng thẻ tín dụng vì sợ dính nợ hoặc tiêu quá tay. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ và sử dụng cẩn thận, mình nhận ra: Không có gì đáng sợ, nếu bản thân đủ tỉnh táo và quản lý tốt”, Hùng nói.
Có tháng được hoàn 1 triệu đồng
Đinh Hùng sử dụng thẻ tín dụng trong nhiều khoản chi tiêu của gia đình, từ mua sắm đồ trong siêu thị, đồ điện tử, ăn uống, hóa đơn,... anh chàng đều ưu tiên cà thẻ.
“Kết quả là mỗi tháng mình được hoàn tiền trung bình 300 ngàn đồng, có tháng đến 600-700 ngàn đồng, thậm chí đỉnh điểm là 1 triệu đồng. Tính ra, gần như 10/12 tháng trong năm mình đều được cashback (hoàn tiền khi mua sắm). Ngoài ra, nhờ mức chi tiêu hợp lý, mình còn được ngân hàng miễn luôn phí thường niên - một khoản có thể tiết kiệm khác mà ít người dùng thẻ tín dụng để ý”, Hùng nói.
Có người từng nói với Hùng dùng thẻ tín dụng vất vả, sao không dùng thẻ ghi nợ cho khoẻ mà không cần đau đầu tính toán chi tiêu. Còn anh chàng cho rằng, thẻ tín dụng là công cụ giúp tiết kiệm thêm tiền từ những thứ vốn phải chi tiêu. “Dùng thẻ tín dụng tức là bạn đang dùng tiền ngân hàng, được miễn lãi tới 45 - 55 ngày, còn được hoàn tiền, miễn phí thường niên, sao lại không tận dụng? Nhưng điều tiên quyết là bạn phải kiểm soát được bản thân, hiểu được rằng tiền trong thẻ không phải là tiền của mình, và đến kỳ là phải thanh toán toàn bộ dư nợ. Nếu dùng sai thẻ tín dụng thì tất nhiên nó sẽ kéo bạn xuống hố nợ”, anh chàng chia sẻ.
Tips sau 5 năm dùng thẻ tín dụng
Đã có kinh nghiệm 5 năm dùng thẻ tín dụng, Đinh Hùng có những nguyên tắc riêng để không biến bản thân thành “con nợ” của hình thức thanh toán này:
- Dùng có kiểm soát, không ảo tưởng tài chính
Nhiều người sai ở chỗ là tưởng có thẻ tín dụng là có tiền. Tuy nhiên, thẻ chỉ là công cụ thanh toán trước, bạn phải trả đầy đủ ở kỳ sao kê. “Mình luôn chi tiêu trong mức mình biết chắc tháng sau trả được. Thậm chí dù trong tài khoản ngân hàng còn tiền, mình vẫn cà thẻ để tận dụng ưu đãi, rồi trả trước hạn 1-2 ngày để tránh lãi phát sinh. Bên cạnh đó, mình chỉ dùng thẻ tín dụng cho những chi tiêu thiết yếu như đi siêu thị, trả hoá đơn, đổ xăng xe, ăn uống,... chứ không bao giờ dùng cho mua sắm bốc đồng”, Hùng nói.
- Đặt hạn mức thấp để kiểm soát rủi ro
Để tránh trường hợp mất tiền vì lộ thông tin cá nhân, Hùng chủ động đặt giới hạn mức giao dịch thẻ mỗi ngày là 500 ngàn đồng. Ngoài ra, anh chàng còn dùng thẻ phi vật lý, dán đè che số CCV trên thẻ cứng và định kỳ 1-2 năm đổi thẻ mới, thay luôn số thẻ và số bảo mật.
- Chọn ngân hàng tối ưu ưu đãi
Hiện tại, anh chàng đang dùng thẻ tín dụng của hai ngân hàng. Có ngân hàng cung cấp chính sách hoàn tiền tốt, còn có ngân hàng thì miễn phí thường niên khi đủ chi tiêu trên thẻ tín dụng. Anh chàng chọn ngân hàng có nhiều ưu đãi mà áp dụng được cho các khoản chi tiêu thiết thực như ăn uống, mua sắm, đồ xăng,...
- Tuyệt đối không rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
“Thẻ tín dụng không sinh ra để rút tiền mặt. Bởi vì lãi suất cực cao, cộng phí rút, bạn sẽ bị tính lãi từ ngày đầu tiên rút tiền. Mình tuyệt đối không dùng thẻ để rút tiền mặt. Khi cần tiền mặt, mình dùng tài khoản thanh toán hoặc chuyển khoản từ tài khoản khác”, Đinh Hùng cho hay.
Cảm ơn Đinh Hùng vì những chia sẻ!