Sau 22 năm quy hoạch mạng lưới trường học, Hà Nội vẫn thiếu trường công

Nhu cầu học công lập ngày càng lớn nhưng đất xây trường lại thiếu.Việc dự báo dân số sai lệch, công cụ quy hoạch lạc hậu và hàng trăm dự án bất động sản bỏ hoang đã khiến giấc mơ vào trường công lập trở thành "cuộc đua" với học sinh Thủ đô.
Thiếu đất xây trường ngay từ Bản Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội
Ngày 23/5/2002, Hà Nội thành lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, với nhiệm vụ tham mưu UBND TP quản lý Nhà nước về quy hoạch - kiến trúc. Giám đốc đầu tiên là ông Đào Ngọc Nghiêm. Ngay sau khi thành lập, Sở đã công bố quy hoạch sử dụng đất cho 14 quận, huyện.
Năm 2003, Viện Quy hoạch Xây Dựng - Sở Quy hoạch Kiến trúc đã lập, trình “Quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, được UBND Thành phố phê duyệt. Quy hoạch căn cứ vào số dân hiện trạng quá thấp nên đề xuất thiếu đất xây trường... Vì vậy, đất thừa ra không xây trường, cấp cho các tổ chức cá nhân khai thác bất động sản tràn lan, có cả hàng chục, hàng trăm dự án để hoang hàng chục năm không sử dụng. Nhiều khu đô thị chỉ tập trung xây nhà bán, không xây trường, nên Hà Nội thiếu hàng trăm trường học, hàng ngàn phòng học.
Khảo sát tại quận Cầu Giấy sau 5 năm thực hiện “Quy hoạch mạng lưới trường học” cho thấy: Quận có diện tích hơn 1.200ha, số dân năm 1997 là 9 vạn, lên đến 14 vạn năm 2001. Tài liệu quy hoạch này lại viện dẫn dân số hiện trạng (2003) vẫn là 9 vạn, số học sinh 4 cấp gần 2 vạn; dự báo đến 2020 có gần 15 vạn dân với hơn 4 vạn học sinh. Từ số học sinh ấy, quy hoạch gần 60 ha đất xây trường đã là thừa, còn đâu tha hồ làm nhà ở chia lô, cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng…
Thực tế, năm 2008, dân số quận Cầu Giấy đã trên 20 vạn, số học sinh 4 cấp gần 5 vạn em. Chưa qua nửa thời gian, quỹ đất quy hoạch dự trù cho cả chục năm sau đã xây hết mà vẫn thiếu hàng chục ha, tính đến năm 2020 thì cần gấp đôi diện tích đất xây trường. Quỹ đất dự trữ để xây dựng trường học hết từ lâu, trong khi hơn 20 ha đất ven đường vành đai 3 được cấp cho làm trụ sở các tổng công ty. Sau hơn 20 năm (2003-2025) phần lớn khu đất này vẫn để hoang.
Không chỉ quận Cầu Giấy gặp vấn nạn thiếu trường học vì không còn đất xây trường do dự báo dân số thấp khó hiểu, các quận huyện khác cũng vậy.
Quy hoạch bằng công cụ lạc hậu sẽ làm Thủ đô tiếp tục thiếu đất xây trường học
Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, công bố năm 2011 (gọi tắt là QH 1259), thực trạng thiếu đất xây dựng trường học vẫn không được cải thiện: Nhiều huyện vùng xa còn thiếu từ cấp mầm non đến THPT… Tuy vậy, những thông tin này không được phản ánh toàn diện trong báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Quy hoạch 1259 (2011-2021).
Trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô, ngày 4/8/2023, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến về phương án phát triển của giáo dục và nguyên tắc, cách thức tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2012-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khi chủ trì tọa đàm này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó là ông Hà Minh Hải đã nhấn mạnh: Công tác đánh giá thực trạng ngành Giáo dục Thủ đô hiện nay phải trung thực, thẳng thắn, khách quan, khoa học và sáng tạo. Toàn bộ số liệu phải được cập nhật đến năm 2022 và có so sánh với thủ đô một quốc gia có nền giáo dục tương đồng để đặt mục tiêu hướng đến, xây dựng kế hoạch thực hiện. Các kịch bản phát triển đưa ra cần đánh giá hiệu quả cụ thể, tránh nêu chung chung, thiếu những phân tích xác đáng, thuyết phục…
Mặc dù được lãnh đạo Thành phố chỉ đạo sát sao, nhưng tài liệu quy hoạch vẫn làm thủ công, các bản đồ minh họa vẫn vẽ bằng máy mà không gắn các thông tin thuộc tính lên bản đồ số thành hệ thống thông tin địa lý (GIS -Geographic Information System). Điều này gây khó khăn cho việc theo dõi quản lý tài nguyên đất đai nói chung và đất dành cho giáo dục nói riêng.
Việc thiếu đất xây dựng trường học trong quá trình lập quy hoạch có nguyên nhân từ Sở GD-ĐT Hà Nội - là cơ quan xây dựng nhu cầu đất trường học công lập từ bậc mầm non đến THPT và cơ quan lập, thẩm định quy hoạch, quản lý đất đai - là các đơn vị bố trí tài nguyên đất đai công sản cho nhu cầu này.
Quy hoạch mạng lưới trường học không thể tách rời với dữ liệu dân cư hiện hữu và mạng lưới giao thông an toàn vì đối tượng là trẻ em - học sinh, do vậy sử dụng hệ thống GIS sẽ hỗ trợ tối đa để bố trí quỹ đất giáo dục tối ưu. Việc ứng dụng công nghệ số cho các cơ quan quản lý lâu nay đã không đạt hiệu quả thì tốt nhất nên giao cho các doanh nghiệp công nghệ thực hiện, Thành phố mua lại kết quả như đã mua lại nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số.
Trong công cuộc chống lãng phí hiện nay, việc rà soát các quỹ đất bỏ hoang, phù hợp với việc xây dựng trường học mới, đặc biệt trường THPT công lập là việc làm thiết thực, đáp ứng mong mỏi của xã hội hôm nay cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô ngày mai. Đó cũng là việc làm cụ thể hóa, đánh giá thực chất sự đổi mới - sáng tạo của ngành Giáo dục đào tạo cũng như quản lý quy hoạch, đất đai thành phố.