Nhảy đến nội dung

Sát ngày giáo viên mới gửi 60 trang tài liệu để con tôi 8 tuổi ôn thi

Chỉ còn hai ngày trước kỳ thi cuối năm, chúng tôi nhận được một tin nhắn từ giáo viên bộ môn: "Giáo viên có cho học sinh làm kiểm tra ôn tập, em A có kết quả chưa tốt, nhiều câu trả lời sai. Mong quý phụ huynh nhắc nhở học sinh ôn bài kỹ lưỡng hơn. Rất mong quý phụ huynh dành thời gian động viên và hỗ trợ học sinh ôn tập thêm tại nhà".

Tin nhắn ngắn gọn này khiến chúng tôi không khỏi hoang mang: Con em mình đã sai những gì, thiếu hụt kiến thức ở đâu để còn kịp thời bù đắp? Càng lo lắng hơn khi đây là môn thi bắt buộc lấy điểm, lại là môn thi đầu tiên của kỳ kiểm tra cuối năm học.

Từ đầu tháng, nhiều phụ huynh đã chủ động nhắn tin hỏi giáo viên về đề cương ôn tập, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Mãi đến sát ngày thi, giáo viên mới gửi cho phụ huynh tài liệu ôn tập, bao gồm 8 bài học - tổng cộng 44 trang lý thuyết và 20 trang sách bài tập.

Trước khối lượng kiến thức lớn như vậy, hầu hết phụ huynh đều rơi vào trạng thái cuống cuồng, không biết bắt đầu từ đâu, trong khi thời gian ôn luyện còn quá ngắn.

Khi chúng tôi thắc mắc, giáo viên chỉ trả lời: "Theo quy định, các con học kiến thức gì thì kiểm tra theo kiến thức đó, ba mẹ nhé. Các cô sẽ có những tiết ôn tập trên lớp theo chương trình, ba mẹ ạ".

Theo quy định là không soạn đề cương ôn tập kiểm tra cuối kỳ cho học sinh tiểu học, nhằm tránh áp lực thi cử cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này đang gây khó khăn lớn cho cả học sinh lẫn phụ huynh.

Khi không có định hướng rõ ràng, việc tự ôn tập theo sách giáo khoa trở nên vô cùng gian nan. Sách giáo khoa hiện nay, dù dành cho học sinh tiểu học, nhưng cách trình bày nhiều bài học rất khô khan, khái niệm mơ hồ, khó hiểu ngay cả đối với người lớn, chưa nói đến trẻ 8 tuổi.

Trong tình cảnh đó, chúng tôi phải mày mò tự tìm tài liệu, bài tập mẫu trên mạng online cho con làm thử. Điều này làm tăng gánh nặng tâm lý cho cả nhà vì chưa biết thông tin trôi nổi trên mạng có chính xác không.

Gia đình chúng tôi trước giờ chưa hề tạo áp lực bắt con phải học giỏi, phải thi điểm cao gì hết. Tuy nhiên, ít nhất với một đứa trẻ có năng lực bình thường cũng cần đạt đủ điểm để tiếp tục lên lớp. Chúng tôi hiểu và tôn trọng chủ trương giảm áp lực thi cử cho học sinh tiểu học.

Nhưng giảm áp lực không có nghĩa là thả nổi việc học và ôn tập. Một sự hỗ trợ nhẹ nhàng, những hướng dẫn ôn tập có định hướng, hoặc ít nhất là sự trao đổi thẳng thắn, kịp thời giữa giáo viên và phụ huynh, sẽ giúp phụ huynh đồng hành cùng nhà trường tốt hơn, giúp các em tự tin bước vào kỳ thi với tâm thế vững vàng hơn.

Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, các nhà quản lý giáo dục và nhà trường sẽ có những điều chỉnh linh hoạt hơn. Dù không ban hành đề cương ôn tập chính thức, nhà trường và giáo viên vẫn có thể hỗ trợ phụ huynh bằng cách thông báo rõ phạm vi kiến thức trọng tâm. Khi trẻ làm bài ôn tập trên lớp chưa đạt thì giải thích cho phụ huynh cụ thể là con cần ôn luyện thêm bài nào chứ không nói chung chung.

Chúng tôi chỉ là những người lao động bình thường, không có kiến thức sư phạm mà mỗi ngày phải loay hoay dạy con rất mệt mỏi mà không hề biết trên trường con được học như thế nào, cô giáo giảng ra sao, làm cách nào thì đúng đáp án chấm bài.

Hồ Lô Bầu