Nhảy đến nội dung
 

Ăn sashimi có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng?

Tôi rất thích ăn sashimi kèm mù tạt và chanh, nhưng vẫn băn khoăn liệu món sống này có tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán không?

TS.BS Huỳnh Hồng Quang, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

Thói quen thưởng thức các món ăn sống, đặc biệt là hải sản tươi như sashimi hay sushi ăn kèm với chanh, mù tạt, nước tương… ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở Nhật Bản - quê hương của những món ăn tinh tế này - mà còn tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Những lát cá hồi, cá ngừ, bạch tuộc hay tôm được thái mỏng, bày biện khéo léo trên khay gỗ cùng củ cải trắng, tía tô và chấm cùng wasabi cay nồng… tạo nên một trải nghiệm ẩm thực rất riêng, tươi ngon và hấp dẫn.

Tuy nhiên, bên cạnh sự độc đáo và hấp dẫn, việc ăn thực phẩm sống, đặc biệt là hải sản chưa qua xử lý nhiệt, cũng tiềm ẩn nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe. Các loại ký sinh trùng như giun đầu gai (Gnathostoma spp.) hay giun xoắn (Anisakis spp.) có thể ẩn náu trong các thớ thịt cá sống.

Nếu không được xử lý đúng cách, các ấu trùng này vẫn sống sót và xâm nhập vào cơ thể người, gây ra nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sụt cân… Nguy hiểm hơn, một số loại giun có thể di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, gây viêm màng não, tổn thương não hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi chế biến sashimi, các chuyên gia y tế khuyến cáo cá phải được cấp đông ở nhiệt độ rất thấp để tiêu diệt hoàn toàn ấu trùng, cụ thể là -20 độ C trong vòng ít nhất 7 ngày hoặc -35 độ C trong ít nhất 15 giờ. Đây là quy trình bắt buộc trong các nhà hàng sashimi đạt chuẩn tại Nhật Bản và các nước có nền ẩm thực tương tự.

Không thể phủ nhận rằng người Nhật, Hàn hay New Zealand - những quốc gia có thói quen ăn đồ sống - vẫn nằm trong nhóm có tuổi thọ cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi thói quen ăn uống được kết hợp với quy trình bảo quản, chế biến nghiêm ngặt và ý thức vệ sinh cao.

Tóm lại, nếu yêu thích sashimi hay bất kỳ món ăn sống nào, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức, miễn là lựa chọn nơi chế biến uy tín, đảm bảo vệ sinh và tuân thủ đúng quy trình bảo quản nguyên liệu. Một bữa ăn ngon lành, lành mạnh sẽ chỉ thực sự trọn vẹn khi bạn biết bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.