Nhảy đến nội dung
 

Sáp nhập tỉnh thành theo hướng biển để nhanh cất cánh

Các chuyên gia cho rằng việc định hướng sáp nhập các tỉnh thành theo hướng biển (21/34 tỉnh thành sau sáp nhập sẽ hướng biển) là tiền đề quan trọng để kết nối, hội nhập, nhanh chóng đưa đất nước cất cánh.

Hiện nay Việt Nam có 63 tỉnh thành, trong đó có 28 tỉnh thành ven biển trải dọc từ Bắc vào Nam, với tổng chiều dài đường bờ biển khoảng 3.260km.

Nay sáp nhập từ 63 tỉnh thành còn 34 tỉnh thành (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), dự kiến Việt Nam sẽ có 21 tỉnh, thành phố giáp biển. Như vậy tỉ lệ địa phương giáp biển tăng lên từ 28/63 (44%) lên 21/34 (gần 62%).

Tăng lợi thế lớn cho Tây Nguyên, TP.HCM

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Chính, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu rõ định hướng sáp nhập tỉnh thành nhằm tạo không gian phát triển hướng biển rất quan trọng với Việt Nam.

Bởi cảng biển nước sâu chính là điều kiện then chốt để hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vị trí địa lý gần tuyến hàng hải quốc tế, cùng với lợi thế tự nhiên của Biển Đông với giá trị lớn khai thác kinh tế biển, chính là lợi thế vàng để phát triển kinh tế biển, gắn kết giao thương, bảo vệ chủ quyền và gia tăng vị thế quốc gia.

"Việc định hướng sáp nhập để nhiều địa phương chưa có biển, sau này sẽ có biển nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận không gian kinh tế phong phú, đa dạng hơn. Một không gian có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, hội nhập, quốc phòng và phát triển lâu dài", ông Chính nhấn mạnh.

Ông Chính cũng chỉ rõ việc kết nối các tỉnh nội địa, đặc biệt là vùng cao như Tây Nguyên với các địa phương ven biển là tư duy quy hoạch chiến lược, phù hợp với bối cảnh phát triển tích hợp hiện nay. Khu vực Nam Trung Bộ sở hữu nhiều cảng biển nước sâu như Cam Ranh, Vân Phong...

Đây là những lợi thế chiến lược cho phát triển kinh tế biển và giao thương quốc tế. Do việc tăng cường liên kết giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ để hình thành trục kết nối Đông - Tây, kết nối giữa miền biển với miền núi, giữa đồng bằng với cao nguyên như đang thực hiện là cần thiết.

Việc định hướng sáp nhập các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo hướng kết nối này không chỉ là về giao thông, vận tải, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển một cách bền vững, hiệu quả.

Đồng thời khi các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định có sự hỗ trợ, liên kết với Tây Nguyên thì không chỉ kinh tế được thúc đẩy mà năng lực phòng thủ, di chuyển quân sự, đảm bảo an ninh, quốc phòng quốc gia cũng được tăng cường.

Ông Chính dẫn chứng như việc hợp nhất Quảng Ngãi và Kon Tum sẽ tạo thành một địa phương mới vừa có biển, có rừng.

Đồng thời giúp tạo điều kiện cho hàng hóa từ Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đi thẳng xuống cảng biển Dung Quất (Quảng Ngãi), sẽ tạo điều kiện thông thương rất tốt, hiệu quả.

Còn Quảng Ngãi thêm lợi thế từ tài nguyên của vùng cao nguyên và vị trí chiến lược sát biên giới qua Lào, Campuchia.

Tương tự, Bình Định có cảng Quy Nhơn - cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Còn Gia Lai có diện tích lớn, tiềm lực mạnh về cao su, cà phê, thủy điện. Sự kết hợp này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho cả hai địa phương...

Với TP.HCM, ông Chính nói hiện nay TP.HCM có hướng biển tại khu vực Cần Giờ với chiều dài hơn 16km.

Nhưng theo định hướng, Bà Rịa - Vũng Tàu - khu căn cứ dầu khí lớn nhất cả nước và có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong những cảng biển lớn nhất cả nước - sẽ hợp nhất với TP.HCM.

Như vậy, sau khi sáp nhập, đường bờ biển của TP.HCM dài gấp 5 lần so với hiện hữu. Từ lâu Cần Giờ nằm trong chiến lược hướng biển của thành phố.

"Việc hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đưa TP.HCM thực sự trở thành địa phương có lợi thế nhất cả nước trong phát triển kinh tế biển (khai thác dầu khí, du lịch, cảng nước sâu), thay vì chỉ là tầm nhìn hướng biển như hiện nay.

Cùng với đó Bình Dương - một vùng đất vừa rộng, vừa cao - sẽ hợp nhất với TP.HCM. Đây rõ ràng là định hướng sáp nhập đơn vị hành chính rất mạnh mẽ để tạo không gian, động lực cho đầu tàu kinh tế đất nước phát triển", ông Chính nói thêm.

Cần nghiên cứu yếu tố đặc thù

Đồng quan điểm trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh không gian liên kết thông thường về đường bộ, đường không thì đường biển là yếu tố rất quan trọng.

Việt Nam là quốc gia tiếp cận biển rất nhiều, với chiều dài đường bờ biển là 3.260km. Đây là một thế mạnh, đặc thù của nước ta.

"Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển kinh tế biển nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng. Vì vậy, trong lần sáp nhập các tỉnh thành đang thực hiện đã chú trọng hơn đến vấn đề này.

Nước ta có lợi thế về các cảng biển, cảng nước sâu hiện có, gần các đường hàng hải quốc tế, Biển Đông có giá trị lớn về khai thác kinh tế biển... Nếu làm tốt việc khai thác các tiềm năng về biển sẽ tạo ra đột phá lớn", ông Nghiêm nêu rõ.

Phân tích thêm, ông Nghiêm cho rằng khi sáp nhập tỉnh thành, đẩy mạnh hướng ra biển, làm tốt việc khai thác tiềm năng biển sẽ góp phần phát triển du lịch, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản ven biển. Từ đó nâng cao đời sống của cư dân ven biển nói riêng và người dân các địa phương nói chung.

Để làm được những việc này, ông Nghiêm nhấn mạnh cần nhân rộng các khu kinh tế ven biển. Cùng với đó cần đẩy mạnh khai thác công nghiệp sinh thái ven biển.

Chú trọng mở rộng, phát triển thêm các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế biển gắn với đô thị hóa. Kèm theo đó phải đẩy mạnh việc phục hồi hệ sinh thái ven biển đi đôi với yêu cầu chú trọng đảm bảo an ninh quốc phòng.

"Có một điều thuận lợi là vừa qua, Việt Nam đã có định hướng quy hoạch tổng thể cảng biển của Việt Nam. Trong đó cả 3 khu vực Bắc, nhất là Trung, Nam đều chú trọng.

Đặc biệt bên cạnh thực hiện các luật, điều ước quốc tế đã chú trọng quy hoạch cảng cá và khai thác thủy sản ven biển.

Đây là những định hướng chỉ đường để khai thác ven biển", ông Nghiêm nêu thêm và nhấn mạnh với việc gắn kết, mở rộng để nhiều tỉnh có tiếp cận với biển sẽ giúp đạt được "đa năng mục tiêu phát triển".

Việc sáp nhập đưa các tỉnh thành hướng biển nhiều hơn là một lợi thế gắn kết nhưng theo ông Nghiêm, chính từ việc chưa khai thác hết các tiềm năng vừa qua nên sau khi sáp nhập xong, các tỉnh thành cần nghiên cứu đặc thù, yếu tố đột phá tiếp cận từ biển để đẩy mạnh kinh tế biển.

Đồng thời cần chú trọng phân cấp, phân quyền mạnh hơn từ Trung ương cho các tỉnh, từ cấp tỉnh cho cấp xã ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Cùng với đó cũng rất cần chú trọng an ninh, quốc phòng.