Nhảy đến nội dung
 

Sản xuất phục hồi

Báo cáo của S&P Global (Mỹ) vừa công bố cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 của Việt Nam đạt 50,5 điểm, tăng so với 49,2 điểm của tháng 2. PMI trên ngưỡng 50 phản ánh sản xuất mở rộng và ngược lại.

Đây là lần đầu tiên sau bốn tháng, PMI đạt trên ngưỡng 50, là tín hiệu cho thấy các điều kiện kinh doanh có cải thiện. Trong đó, sản lượng đã tăng lần đầu trong 3 tháng, với mức độ tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2024. Tổng lượng đơn đặt hàng mới cũng cải thiện, dù còn khiêm tốn.

"Ngành sản xuất Việt Nam bắt đầu hoạt động mạnh mẽ hơn vào tháng 3 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ đầu năm 2025", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định.

Một số doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu cũng ghi nhận tín hiệu ổn định thời gian gần đây. Tại đại hội cổ đông cuối tháng trước, ban lãnh đạo May Sông Hồng cho biết đơn hàng đã được đảm bảo đến tháng 7-8 và Mỹ vẫn là thị trường chủ chốt.

Giai đoạn hoãn thuế đối ứng 90 ngày, May Sông Hồng nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tận dụng thời gian này. Dù tình hình thuế quan còn khó lường, công ty vẫn đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay tăng lần lượt trên 4% và 10%.

"Nữ hoành cá tra" Vĩnh Hoàn lên kịch bản doanh thu 2025 bị ảnh hưởng từ thương mại bất ổn nhưng lợi nhuận vẫn có cơ hội tăng trưởng. Đến nay, công ty chưa ghi nhận rủi ro lớn nào liên quan đến khối lượng đơn hàng, đặc biệt tại thị trường Mỹ.

Hay như Hóa chất Đức Giang báo cáo doanh thu quý I tăng 17,8% so với cùng kỳ 2025, thúc đẩy bởi tăng trưởng ở mảng phốt pho vàng (P4). Nhu cầu chip tăng cao tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng cho phân khúc P4. Doanh thu xuất khẩu quý đầu năm cũng tăng 20%, vượt mức tăng 13,2% của thị trường nội địa.

Tuy nhiên, ngành sản xuất Việt Nam còn đối diện thách thức. Khảo sát S&P Global cho hay tâm lý kinh doanh lạc quan nhưng mức độ vẫn ở dưới mức trung bình. Dù sản lượng và tổng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, doanh nghiệp vẫn kém tự tin hơn một chút vào triển vọng sản lượng năm sau.

Thực tế, riêng đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm 5 tháng liên tiếp. Theo ông Andrew Harker, các nhà sản xuất còn thận trọng, ngần ngại mở rộng tuyển dụng hay mua thêm nguyên liệu. "Điều này có thể phản ánh một môi trường quốc tế bất ổn", ông nói.

Tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen là ví dụ. Sản lượng tiêu thụ quý I giảm 6% so với cùng kỳ, ở mức 420.700 tấn. Trong đó, sản lượng thép tôn mạ tiêu thụ trong nước tăng 41% nhưng xuất khẩu giảm 38%, còn 160.000 tấn.

Dù đơn hàng có đến quý III, May Sông Hồng cũng đánh giá triển vọng quý IV còn nhiều bất định, khi ngay cả các thương hiệu lớn cũng chưa có kế hoạch rõ ràng. Ban lãnh đạo công ty nêu quan điểm thận trọng về tác động của thuế đối ứng, cho rằng mức cơ bản ở mức 10% cũng đã áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận.

Và nếu vượt mức này có thể đe dọa sự tồn tại của một số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may. Công ty này vì thế định hướng tập trung sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao và tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị.

Trong khi đó, S&P Global ghi nhận một số nhà sản xuất Việt Nam đã nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh bằng cách giảm nhẹ giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp.

Viễn Thông