Nhảy đến nội dung
 

Sân khấu 'mê' truyện Nguyễn Ngọc Tư

Đầu tháng 8, Sân khấu Mới sẽ ra mắt tại phường Hạnh Thông với vở kịch được cảm tác từ truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Một mối tình.

Không chỉ có Sân khấu Mới, nhiều sân khấu trong TP như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu Thế Giới Trẻ, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Hồng Vân... đều có những kịch bản được viết từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư hiện đang sáng đèn.

Truyện Nguyễn Ngọc Tư "áp đảo" sàn kịch

Nếu hỏi ở sân khấu TP.HCM hiện nay, tác phẩm của nhà văn nào được ưa chuộng để tác giả cảm tác, chuyển thể nhiều nhất thì có lẽ đó chính là Nguyễn Ngọc Tư.

Ngôi "quán quân" thuộc về sân khấu Hoàng Thái Thanh. Hiện có 6-7 vở diễn ở sân khấu này được cảm tác từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể kể ra như Mút chỉ Mút Cà Tha (được viết từ truyện Thương quá rau răm), Nửa đời ngơ ngác (từ truyện Chiều vắng), Bao giờ sông cạn (từ truyện Dòng nhớ), Mơ trăng bóng nước (từ truyện Tình lơ), Rau răm ở lại (từ truyện Ơi cải về đâu), Trả lại lia thia (từ truyện Củi mục trôi về)...

Trong đó vở Nửa đời ngơ ngác đạt kỷ lục khi có thể diễn hơn 150 suất, là vở bi kịch tiêu biểu của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những vở diễn khác như Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại... lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người xem.

Đạo diễn Bùi Quốc Bảo của sân khấu Thế Giới Trẻ tự nhận mình là fan của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Anh đã cảm tác để hình thành nên ba kịch bản từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là kịch bản Đời Như Ý, Ông già đoàn lô tô (từ truyện Ơi cải về đâu) và Đò tình (từ truyện Bến đò xóm Miễu).

Soạn giả Hoàng Song Việt đã chuyển thể cải lương hai kịch bản từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư là Hiu hiu gió bấcĐời Như Ý. Hai vở diễn từng được Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng dự thi liên hoan cải lương toàn quốc và đưa vào lịch biểu diễn phục vụ khán giả.

Đời Như Ý cũng được sân khấu kịch Hồng Vân cảm tác dựng thành vở Thương thì thương thế thôi. Truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư từng được đạo diễn Minh Nguyệt dàn dựng dự thi liên hoan kịch nói toàn quốc.

Ơi cải về đâu, Đời Như Ý, Hiu hiu gió bấc có cả bản dựng kịch nói và cải lương, ghi hình và phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM. Hầu như năm nào Đời Như Ý, Hiu hiu gió bấc cũng được các sinh viên chọn làm vở dàn dựng tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn.

Vợ chồng tác giả, đạo diễn Minh Nhật - Như Trúc của Sân khấu Mới làm ba dự án kịch thì hết hai vở là từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư. 

"Thấy tôi làm từ tác phẩm chị Tư hoài mà nhiều người tưởng tôi là dân miền Tây. Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nhưng chúng tôi mê văn chương của chị Tư nên đồng cảm với tác phẩm của chị. Sau hai vở này tôi vẫn còn nhiều ý tưởng khai thác từ tác phẩm của chị Tư" - Minh Nhật tâm sự.

Không dễ làm kịch hay

Rất nhiều tác giả, đạo diễn, ông bà bầu sân khấu khi được hỏi lý do chọn dựng vở từ truyện Nguyễn Ngọc Tư đều bày tỏ bị thuyết phục và yêu mến những tác phẩm, giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư.

Nghệ sĩ Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Ngay từ tác phẩm văn học, truyện Nguyễn Ngọc Tư đã đem lại cho người đọc nhiều rung cảm. Chúng tôi nhận ra trong truyện của Tư có những cái rất phù hợp với sân khấu. Ở đó có những câu chuyện, cách viết nói lên những phận người, phận đời rất thật, mộc mạc, gần gũi với cuộc sống".

Hai kịch bản chuyển thể mướt rượt của soạn giả Hoàng Song Việt từ truyện Nguyễn Ngọc Tư gây được dấu ấn trên sân khấu cải lương. 

Ông nhìn nhận truyện Nguyễn Ngọc Tư xây dựng được bối cảnh, không gian đậm đặc chất sông nước miền Tây với những thân phận đầy cảm xúc khiến người ta nhớ đến chất đặc trưng như truyện của Hồ Biểu Chánh ngày xưa.

Vì vậy, truyện của Nguyễn Ngọc Tư mà dựng cải lương thì "hạp thôi rồi!".

Bùi Quốc Bảo vốn là người miền Tây nên anh có sự đồng cảm rất lớn với truyện của Nguyễn Ngọc Tư. "Khó có tác giả nào viết về miền Tây, các nhân vật miền Tây rất chính xác và giàu cảm xúc như Nguyễn Ngọc Tư. 

Chị xây dựng từng nhân vật là một câu chuyện chứa số phận độc đáo, đặc biệt nên truyền cảm hứng rất lớn cho tác giả, đạo diễn mong muốn được đưa tác phẩm của chị lên sân khấu" - Quốc Bảo cảm xúc.

Yêu Nguyễn Ngọc Tư đến thế nhưng các tác giả, đạo diễn bày tỏ không phải dễ để khiến tác phẩm từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư lên sân khấu bảo đảm đúng tinh thần và giữ được cái hay, cái đẹp của Tư.

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư thường khá ít nhân vật, dưới ngòi bút của chị độc giả có thể miên man trôi trong nhiều không gian, thời gian, được phát huy trí tưởng tượng để sống cùng phận đời của các nhân vật. Tuy nhiên sân khấu đôi khi khó "bay" như vậy, lại phải cần nhiều xung đột, kịch tính, hành động kịch được hiện thực hóa trên sàn diễn.

"Trong truyện, tác giả có thể dàn trải qua nhiều không gian, thời gian, tuy nhiên trên sân khấu nếu nhiều quá sẽ có thể làm khó cho công tác dàn dựng và biểu diễn. Vì vậy muốn xây dựng kịch bản từ truyện Nguyễn Ngọc Tư tác giả phải hiểu văn chương, tinh thần của chị để cảm tác hoặc chuyển thể sao cho thật kỹ lưỡng, khéo léo và tinh tế" - soạn giả Hoàng Song Việt nhấn mạnh.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn