Nhảy đến nội dung
 

Săn deal 'chợ đêm online' sao để không ôm cục tức?

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các 'chợ mạng' vào phiên sôi động. Trên Shopee, TikTok Shop... hàng triệu sản phẩm được treo biển giảm giá, mã khuyến mãi tung ra theo giờ vàng, người mua lướt 'live', săn deal, đặt đơn liên tục.

Nhiều bạn trẻ xem săn deal không hẳn chỉ để mua sắm mà như một dạng "giải trí tiêu dùng", vừa giải tỏa căng thẳng vừa tận hưởng cảm giác chinh phục.

Mua sắm theo cảm xúc

Nói với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thị Thủy (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) hài hước: "Mình săn deal vào hai ngày trong tháng đó là... ngày đôi và ngày buồn. Ngày đôi thì sắm đồ gia dụng, mỹ phẩm cần thiết còn ngày buồn mình hay mua đồ xàm xí cho vui", đồng thời cho biết chỉ lên kế hoạch kỹ lưỡng cho những món đồ thiết yếu.

Các sản phẩm này sẽ được cho vào giỏ hàng từ sớm, đợi đúng dịp sẽ canh mã giảm giá, miễn phí vận chuyển. Riêng với những món "xàm xí", quyết định mua thường đến bất chợt, tùy vào tâm trạng, giá cả và... thường là vào ban đêm như móc chìa khóa, dây buộc tóc, mẫu thử mỹ phẩm... "Mua chủ yếu để giải tỏa tâm trạng chứ không thật sự cần thiết", chị Thủy cho biết.

Với chị Vũ Thu Hương (25 tuổi, quận 3), một "tay săn sale" chuyên nghiệp, việc mua sắm trực tuyến không chỉ là tiết kiệm chi tiêu mà còn là kỹ năng cần được rèn luyện. Theo chị Hương, "bí kíp" để không bỏ lỡ các đợt giảm giá lớn là thường xuyên tham gia các hội nhóm chuyên chia sẻ mã giảm giá, đồng thời theo dõi các KOL để cập nhật nhanh các chương trình khuyến mãi.

"Quan trọng nhất là phải chuẩn bị thật kỹ và thao tác thật nhanh. Tôi luôn lưu sẵn sản phẩm vào giỏ hàng, nhập mã khuyến mãi từ trước, cài báo thức đúng khung giờ và nạp sẵn tiền vào ví điện tử để thanh toán ngay khi hệ thống mở deal", chị Hương nói và cho biết để có được thói quen mua sắm lành mạnh như hiện tại, chị từng trải qua giai đoạn "nghiện săn deal" đến mức không kiểm soát.

"Có lần mình đặt hơn 100 đơn chỉ trong một đêm, chủ yếu là phụ kiện như dây sạc, tất, khăn lau, dây buộc tóc... Mỗi đơn tính cả phí vận chuyển cũng chỉ khoảng 3.000 - 5.000 đồng nên mình đặt hàng vô tội vạ để thỏa đam mê nhưng sau đó nhìn lại phần lớn món đồ không dùng đến, nằm đóng bụi ở góc phòng", Hương kể.

Thời điểm đó, Hương cho hay đã tự nhủ phải kiềm chế nhưng không mua lại thấy tiếc vì giá quá rẻ. Nghĩ bụng có thể đem tặng nhưng cũng có món đặt về chẳng biết dùng làm gì. Nhiều món chất lượng kém, thậm chí lặp lại như dây buộc tóc đã có hơn chục cái. "Hồi đó hôm nào có đợt sale mà không đặt được đơn nào là thấy bồn chồn, không vui", Hương nhớ lại.

Tưởng hời hóa... hớ

Chính yếu tố tâm lý này đã góp phần khiến hoạt động mua sắm về đêm trên chợ mạng trở nên sôi động hơn bao giờ hết, kéo theo những phiên livestream, flash sale được tổ chức ngày càng dày đặc trên các nền tảng số. 

Đặc biệt, khung giờ từ 0h - 2h sáng thường được xem là "giờ vàng" khi hàng loạt ưu đãi được đồng loạt kích hoạt, từ giảm giá sốc, tặng mã ưu đãi đến các chương trình flash sale giới hạn.

Các mặt hàng xuất hiện trong khung giờ này rất đa dạng, trải dài từ quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng đến các sản phẩm không thiết yếu. Nhiều sản phẩm được gắn nhãn "deal hời", "giá sỉ", "độc quyền online" nhằm lôi kéo người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Đáng chú ý, nhiều phiên livestream được tổ chức bài bản với kịch bản lặp đi lặp lại các cụm từ có tính thôi miên như "duy nhất hôm nay", "đừng bỏ lỡ", "tốt nhất thị trường"... kết hợp nhạc nền dồn dập và hiệu ứng thị giác để kích thích tâm lý mua hàng gấp rút.

Có không ít phiên livestream thậm chí bị "bóc phốt" sử dụng hàng chục tài khoản ảo thay phiên chốt đơn, tạo cảm giác sản phẩm đang rất hút khách khiến nhiều người tiêu dùng không kịp suy xét và dễ bị cuốn theo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội. Nhiều bạn trẻ thừa nhận đã ít nhất một lần "nếm trái đắng" khi mua hàng trong các phiên "chợ đêm online".

"Mình từng đợi đúng khung giờ livestream, được tặng mã giảm giá đến 80%. Đặt xong hàng, hí hửng vì nghĩ mua được rẻ nhưng sau đó lên web kiểm tra lại thấy giá trước giảm còn thấp hơn lúc mình mua. Lúc hàng về mình chỉ biết thở dài. Thề sẽ không bao giờ mua lại của người bán đó nữa", chị Thủy kể lại.

Còn với bạn trẻ Ái Nguyên (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cũng từng mua một sản phẩm bị "thổi" giá lên gấp đôi, sau đó giảm 40% tưởng rẻ nhưng thực chất lại đắt hơn cả ngày thường. "Nhiều bạn bè mình bị như vậy. Đợt đó mình còn cất công nạp sẵn tiền ví điện tử, hẹn giờ, lưu mã... mà cuối cùng lại mua hàng giá cao", Ái Nguyên ngán ngẩm.

Sau nhiều lần "tưởng vớ bở hóa ra mua hớ", anh Trần Trung cũng đã rút ra bài học: "Mình luôn chuẩn bị sẵn danh sách cần mua trong giỏ hàng rồi theo dõi giá cả trước và sau khuyến mãi để so sánh. Có những món đắt tiền mất cả tuần quan sát giá mới dám đặt hàng. Tỉnh táo và chuẩn bị kỹ thì mới thật sự săn deal được giá tốt".

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn