Sâm giả ồ ạt nhập lậu, đội lốt sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh không chỉ quý hiếm mà còn mang giá trị dược liệu và kinh tế vượt trội. Thế nhưng thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái và những dòng sâm nhập lậu không rõ nguồn gốc đã khiến thương hiệu sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không loại sâm nào sánh được
Sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam với độ cao trên 1.500 m. Nơi đây có khí hậu mát lạnh quanh năm, đất rừng giàu mùn hữu cơ và độ ẩm cao. Chính hệ sinh thái nguyên sinh đặc biệt này đã giúp cây sâm tích tụ những hoạt chất độc đáo.
Theo GS-TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, sâm Ngọc Linh chứa đến 86 hợp chất saponin. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có hợp chất MR2 (hợp chất chống ô xy hóa) rất cao mà không loài sâm nào sánh được. Sâm Ngọc Linh được phát hiện từ năm 1973 tại vùng núi Ngọc Linh (Kon Tum). Ngay sau đó, các nghiên cứu đã xác định được hàng trăm hợp chất hóa học, với nhiều hoạt tính sinh học tiềm năng, đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dược phẩm từ loại sâm này.
Theo GS-TS Nguyễn Minh Đức (khoa Dược, Trường ĐH Tôn Đức Thắng), gần đây một số cây sâm có họ gần gũi với sâm Ngọc Linh được phát hiện, như sâm Lai Châu hay Dã Tam Thất (phát hiện năm 2003), sâm Lang Biang (năm 2016). Trong đó, sâm Lang Biang được phát hiện với số lượng ít, hiện chủ yếu được bảo tồn để nghiên cứu và hầu như không lưu hành trên thị trường. Còn sâm Lai Châu chỉ mới được phát triển trồng trọt ở VN, nhưng đã được trồng từ lâu ở Vân Nam (Trung Quốc).
"Sản lượng Dã Tam Thất trồng tại Trung Quốc rất lớn, hiện chủ yếu được nhập qua đường tiểu ngạch vào VN với số lượng gần như không giới hạn từ vài tạ đến hàng tấn mỗi ngày. Trong khi đó, chất lượng loài thực vật này không kiểm soát, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường sâm nói chung và sự phát triển của sâm Ngọc Linh nói riêng", ông Đức nói.
Chỉ một cây sâm mang thương hiệu quốc gia
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), giá sâm Ngọc Linh dao động từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/kg, tạo ra nguồn thu nhập rất lớn cho người trồng. Chính vì giá trị cao, thời gian qua có không ít doanh nghiệp (DN), cá nhân tìm cách trà trộn các loại sâm khác nhằm đội lốt sâm Ngọc Linh để trục lợi.
"Có những DN tổ chức công bố vườn sâm rộng hàng chục héc ta với hàng chục ngàn gốc sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, khi địa phương đi xác minh thì không hề có vườn sâm nào như DN nọ công bố trên địa bàn cả. Cũng có những DN chỉ mới thành lập, trồng sâm vài năm nhưng không biết lấy nguồn nguyên liệu ở đâu để sản xuất hàng chục sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh", ông Mạnh nói.
Trước thực trạng hỗn loạn của thị trường sâm, GS-TS Nguyễn Minh Đức đề xuất một giải pháp mang tính chiến lược. Đó là chỉ chọn một cây sâm để xây dựng thương hiệu quốc gia. Và đó phải là sâm Ngọc Linh, loài duy nhất hội tụ đủ các yếu tố đặc hữu, dược tính vượt trội và giá trị kinh tế rõ rệt.
"Việc chỉ chọn một loài sâm làm thương hiệu quốc gia là chiến lược hết sức quan trọng. Cách làm này, vốn là thông lệ phổ biến trên thế giới, giúp tránh tình trạng lẫn lộn khái niệm, tản mạn mục tiêu; đồng thời tạo thuận lợi cho việc tập trung nguồn lực phát triển, nâng cao giá trị và vị thế của sản phẩm đã được xác lập, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế", ông Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch trong cách gọi tên các loài sâm khác, như sâm Lai Châu, sâm Lang Biang, sâm Pusailaileng… Đồng thời, xác định rõ khái niệm "sâm VN" và "sâm Ngọc Linh" để tránh nhầm lẫn cho thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Nhằm tránh việc sâm Ngọc Linh bị làm giả, trung tá Lê Minh Dương, Giám đốc Viettel Kon Tum, đề xuất việc đầu tư công nghệ, gắn mã QR lên từng củ sâm để truy xuất nguồn gốc, lịch sử trồng, chống sâm giả... Ngoài ra, cần dùng công nghệ internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát kẻ trộm và đàn chuột vào vườn phá hoại sâm. Công nghệ này còn có thể theo dõi nhiệt độ, thời tiết, lượng mưa, ánh sáng, độ pH đất... nhằm tối ưu hóa chi phí và hiệu suất lao động.
Từ đó, ông Dương đề nghị tỉnh Kon Tum hỗ trợ nhà mạng triển khai hạ tầng công nghệ; hỗ trợ chi phí phần mềm quản lý cho hộ gia đình, HTX và DN trồng sâm.