Rút ngắn thời gian nâng cấp sân bay Liên Khương còn 6 tháng

TPO - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo khẩn trương triển khai dự án nâng cấp đường cất hạ cánh Cảng Hàng không Quốc tế Liên Khương, yêu cầu rút ngắn thời gian đóng cửa sân bay từ 9 tháng xuống còn 6 tháng để hạn chế ảnh hưởng đến du lịch.
Liên quan đến dự án nâng cấp đường cất hạ cánh Cảng Hàng không Quốc tế Liên Khương, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có kết luận chỉ đạo tại cuộc họp mới đây với các sở, ngành và chủ đầu tư. Theo đó, thời điểm đóng cửa sân bay vẫn chưa ấn định cụ thể nhưng yêu cầu phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến mùa cao điểm du lịch.
![]() |
Năm 2024, Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế. |
Dự án do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, sẽ tiến hành nâng cấp đường băng dài 3.250m, rộng 45m, cùng sân quay đầu máy bay, các đường lăn E1, E2, hệ thống thoát nước, đèn hiệu, biển báo… cũng được cải tạo đồng bộ.
Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư phải được triển khai khẩn trương, đảm bảo đủ thiết bị, vật liệu, nhân lực để sẵn sàng thi công ngay khi sân bay tạm đóng cửa.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động du lịch và kinh tế địa phương, tỉnh đề nghị ACV tính toán phương án thi công hợp lý nhất, để rút ngắn thời gian thi công từ 8 xuống 6 tháng kể từ ngày đóng cửa sân bay. Đồng thời sẽ có một tổ điều phối liên ngành để theo dõi tiến độ, xử lý các phát sinh và đảm bảo dự án về đích đúng kế hoạch.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ đạt cấp 4E, đủ điều kiện đón các dòng máy bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350, phục vụ khoảng 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa/năm.
![]() |
Cảng Hàng không Liên Khương hiện mỗi năm phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách. |
Sau năm 2030, đường băng sẽ được kéo dài lên 3.600m, nâng công suất sân bay lên 7 triệu khách/năm. Hạ tầng kỹ thuật sẽ đồng bộ với nhà ga T2, ga hàng hóa, trạm cấp nhiên liệu, hệ thống xử lý nước thải… với tổng diện tích đất dự kiến sử dụng đến năm 2050 khoảng 340ha.
Quy hoạch này nhằm đưa Liên Khương trở thành cửa ngõ hàng không hiện đại của khu vực Tây Nguyên, kết nối Đà Lạt với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn trong nước và quốc tế.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc cùng đoàn công tác Cục 2 Đường sắt Trung Quốc. Tại đây, doanh nghiệp này đã giới thiệu nhiều dự án mà công ty thực hiện ở rất nhiều nước trên giới, trong đó có Việt Nam và tự tin thực hiện được dự án khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm và sân bay Liên Khương.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, buổi làm việc chỉ gặp mặt, trao đổi về mặt chủ trương. Tỉnh cũng sẽ giao đầu mối với các sở, ngành để làm việc với Cục 2 Đường sắt Trung Quốc theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Cảng Hàng không Liên Khương hiện mỗi năm phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch đến từ các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Thái Lan. Được xây dựng từ năm 1933 bởi người Pháp, sân bay từng được nâng cấp nhiều lần, trong đó đáng chú ý là giai đoạn 2003-2007, Liên Khương được cải tạo đạt tiêu chuẩn 4D, khai thác được các loại máy bay Airbus A320, A321.