Rút 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để kiện toàn nhân sự chủ chốt

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là chủ nhật, ngày 15/3/2026.
Sáng 21/5, đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kết thúc vào đầu tháng 4/2026. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến vào chủ nhật, 15/3/2026.
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Còn kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2026-2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.
Với nghị quyết này, thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khóa mới sẽ sớm hơn thông lệ. Trên cơ sở đó, việc kiện toàn các nhân sự cấp cao cũng được đẩy sớm lên.
Theo quy định của Hiến pháp, nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm. Trong trường hợp đặc biệt, nếu đạt ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tương tự, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm kỳ của HĐND kéo dài 5 năm. Việc rút ngắn hoặc kéo dài do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu cử vào ngày 23/5/2021. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khai mạc ngày 20/7/2021 và HĐND các cấp cũng được khai mạc vào khoảng thời gian này. Như vậy, theo luật định, đến ngày 20/7/2026, Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất là ngày 24/5/2026 Quốc hội khóa XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc (dự kiến tổ chức vào tháng 1/2026) và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới.
Việc này để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian cũng để cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng và đại hội Đảng các cấp.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.