Rốn lũ Nghệ An: Xã chủ động sơ tán dân, giúp giảm thiểu thiệt hại

Nhắc lại trận lũ lớn xảy ra vào ngày 22.7, một số lãnh đạo ở các xã vùng biên miền Tây Nghệ An cho rằng đây là trận lũ lịch sử, chưa từng có. Nhờ chính quyền chủ động sơ tán dân nên giảm thiểu được thiệt hại về người.
Trận lũ lớn xảy ra tại các xã thuộc miền Tây Nghệ An đã nhấn chìm hàng nghìn nhà dân, trong đó có gần 400 nhà bị cuốn trôi. Đặc biệt, cơn lũ lịch sử này không chỉ cướp đi tính mạng của 5 người dân, mà còn phá hỏng nhà dân, hạ tầng giao thông, đường điện và mạng viễn thông, gây thiệt hại rất nặng nề.
Tuy vậy, nhờ sự vào cuộc chủ động quyết liệt của chính quyền 2 cấp, nhất là các địa phương nằm trong vùng "rốn lũ", nên đã giúp giảm thiểu phần nào thiệt hại.
Cán bộ đi giúp dân, về thì nhà bị lũ nhấn chìm
Đến sáng 26.7, sau nhiều nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Nghệ An, tuyến quốc lộ 7A từ miền xuôi ngược lên xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An) đã được thông tuyến. Cũng trong ngày này, tuyến quốc lộ 16 nối xã Mường Xén vào xã Mỹ Lý được khơi thông. Nhiều đoàn xe chở hàng cứu trợ đã vào được trung tâm các xã biên giới để tiếp tế cho bà con dân bản sau 4 ngày bị cô lập.
Phải chạy xe vượt quãng đường rất xa, trơn trượt, chúng tôi cũng đã có mặt tại xã Mỹ Lý khi xã vùng biên này vừa được "giải vây". Đứng ở trụ sở xã này nhìn xuống, các bản làng nằm bên dòng Nậm Nơn bị nhuộm một màu vàng đục, nhiều nhà dân bị phá tan hoang sau trận lũ dữ.
Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch xã Mỹ Lý nói cơn lũ quét qua các bản làng quá lớn, chưa từng có nên đã nhấn chìm hàng trăm nhà dân, trong đó có hơn 201 căn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn. Toàn bộ 1.200 hộ dân vẫn an toàn về tính mạng, song nhiều người khi trở về đã trắng tay, vì nhà cửa và tài sản đều bị lũ cuốn đi.
Nhớ lại hôm lũ đổ về, ông Bảy cho biết vào sáng 22.7, do ảnh hưởng của bão số 3 nên trên địa bàn xảy ra mưa lớn. Chính quyền địa phương cũng đã phát cảnh báo cho toàn bộ người dân ở 12 bản để người dân chủ động phòng tránh. Đến chiều cùng ngày, mưa vẫn không ngớt, dòng Nậm Nơn nước lũ bắt đầu dâng cao.
"Chúng tôi cũng phân công anh em đi đến từng bản để tuyên truyền và hỗ trợ người dân kê dọn đồ đạc. Đặc biệt là di dời các hộ nằm gần khe suối, vùng xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Đến tối cùng ngày, nước sông suối dâng cao bất ngờ, lên rất nhanh, tràn vào nhà của các hộ dân ở phía trên cao. Nhiều người chẳng lấy được thứ gì mà tìm cách tháo chạy. Toàn bộ xã bị cô lập, các bản làng đều bị chia cắt. Quá trình hỗ trợ người dân di dời tài sản, có 4 cán bộ của xã khi trở về thì nhà cửa của mình đã bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi hết tài sản", ông Bảy nhớ lại.
Chờ đến sáng hôm sau, ông Bảy cùng toàn bộ cán bộ xã, công an và bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn tìm cách tiếp cận các điểm bản để nắm tình hình. Địa hình cách trở, khắp nơi đều xảy ra sạt lở đất. Mất điện, sóng điện thoại không có nên việc tiếp cận các bản nằm cách xa trung tâm là vô cùng khó khăn.
"Dù biết rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn phân chia cán bộ cố gắng tiếp cận từng điểm bản, để có gì còn biết hỗ trợ bà con. Với các bản xa như Cha Nga và Xốp Dương, tôi đã mang theo một số nhu yếu phẩm, lội suối, cắt rừng đi mất 1 ngày trời mới tiếp cận được", ông Bảy kể.
Là một trong 6 cán bộ băng rừng mất 21 km mới đến được bản Xốp Dương và bản Chà Nga để tiếp tế cho người dân, ông Đào Công Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, cho biết khi tới nơi, nhiều nhà ở của bà con dân bản bị lũ san phẳng, phải ở nhờ tại nhà các hộ khác.
"Những ngày bị mưa lũ chia cắt, bà con chia sẻ nhau từng bữa ăn và quần áo mặc. Nhưng sau nhiều ngày bị cô lập, lương thực cũng dần cạn đi khiến họ rất lo lắng. Khi thấy cán bộ đến thăm, người dân rất vui mừng. Trận lũ lịch sử xảy ra, nếu xã không chủ động di dời dân từ trước thì thiệt hại chắc chắn là quá lớn", ông Thịnh giãi bày.
Bí thư xã vượt rừng núi đi nhận hàng cứu trợ
Đã 5 ngày sau trận lũ dữ, xã Nhôn Mai là địa phương duy nhất ở Nghệ An vẫn đang bị chia cắt, cô lập. Các tuyến đường dẫn vào xã biên giới này bị sạt lở nghiêm trọng với nhiều điểm bị đứt gãy, không thể đi lại.
Nhận thấy lương thực dự trữ của bà con dân bản dần cạn kiệt, trưa ngày 26.7, ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai cùng một số cán bộ đã liều mình băng rừng, vượt sông để ra trung tâm xã Mỹ Lý cạnh bên, lập chốt nhận hàng cứu trợ cho người dân.
"Sau lũ, toàn bộ hoạt động của xã bị tê liệt toàn bộ, khi đường bị chia cắt, điện và sóng điện thoại cũng không có. Sợ người dân đói khát, tôi cùng mấy anh em cán bộ phải cắt rừng, vượt sông suốt 3 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm xã Mỹ Lý để nhận hàng cứu trợ. Sau khi nhận hàng, chúng tôi sẽ dùng thuyền vận chuyển đưa về phân phát cho người dân của 21 bản làng", ông Nguyên tâm sự.
Đi trong vội vã, mấy cán bộ xã Nhôn Mai cũng chỉ kịp chuẩn bị được nắm cơm trắng và mấy con cá khô. Ngồi ở điểm nhận hàng cứu trợ, họ mở thực phẩm mang theo, dùng tay chia nhau ăn mà thương vô cùng.
"Hiện nay người dân khắp các bản làng của xã mong muốn có sự hỗ trợ sớm nhất từ các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự chung tay của người dân cả nước, để đảm bảo trong thời gian tới bà con không bị thiếu đói, nhất là việc khắc phục sớm nhất hậu quả do thiên tai để lại", ông Nguyên chia sẻ.