Nhảy đến nội dung

Rối loạn tiền đình trẻ hóa

Ngày 18/5, ThS.BS Phan Xuân Uy Hùng, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết ghi hình chuyển động nhãn cầu (VNG) và bài kiểm tra đẩy đầu có ghi hình (vHIT) xác định bệnh nhân bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính do sỏi tiền đình lạc chỗ - một tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi.

Chàng trai yêu thích bơi lội, thường duy trì thói quen này 3 buổi mỗi tuần. Trước đó, cậu từng bị ù tai trái sau khi bơi nên nghiêng đầu và vỗ mạnh vào vùng tai - thái dương bên trái để làm nước thoát ra, vô tình khiến sỏi tiền đình bị lệch vị trí. Nhờ xác định chính xác nguyên nhân, bệnh nhân được chữa trị tái định vị sỏi, giúp dứt điểm tình trạng chóng mặt.

Còn người phụ nữ 35 tuổi, sau một đêm thức "chạy deadline" đến 3h sáng để hoàn thành dự án, ngủ được vài tiếng bỗng thức giấc với cảm giác "chóng mặt khủng khiếp, đầu óc quay cuồng, đặc biệt là khi đứng dậy". Chị nôn ói nhiều lần, cơ thể kiệt sức, mệt rã rời. Bác sĩ chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, điều trị thuốc giúp chị trở về bình thường.

"Không nghĩ rối loạn tiền đình lại gây cảm giác kinh hoàng đến thế, tôi sẽ sắp xếp để không thức khuya, dồn ứ việc lại gây căng thẳng như vậy", chị nói.

Theo bác sĩ Hùng, trước đây khi nhắc đến rối loạn tiền đình, mọi người thường hình dung đến các cụ ông, cụ bà, người lứa tuổi trung niên với những các triệu chứng chóng mặt xoay vòng, đi đứng khó khăn. Trên thực tế, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều người trẻ, đang là sinh viên, nhân viên văn phòng, thậm chí còn tuổi học sinh với triệu chứng chóng mặt, loạng choạng, mỏi mệt "như vừa chạy việt dã cả chục km mà quên ăn sáng", "đầu quay quay, nhà cửa nghiêng ngã, cứ mở mắt ra là lại quay mòng mòng"...

Hệ thống tiền đình nằm sâu trong tai trong, chịu trách nhiệm giúp giữ thăng bằng, định hướng trong không gian và nhận biết các chuyển động của cơ thể. Từ đó, con người đi đứng vững vàng, không bị mất thăng bằng, chóng mặt mỗi khi bước xuống bậc thang hay quay đầu đột ngột.

"Hệ thống này khi 'nổi loạn' sẽ gây cảm giác như vừa bước ra khỏi tàu lượn siêu tốc, đầu óc quay cuồng, mắt mờ mịt, người nghiêng ngả, thậm chí buồn nôn và sợ ánh sáng", bác sĩ nói. Nguyên nhân rối loạn tiền đình phổ biến nhất là do lệch chỗ của sỏi tiền đình, vốn khá phổ biến ở người cao tuổi.

Trung tá, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết khoảng hai năm nay, hầu như tuần nào cũng có trường hợp người bệnh chóng mặt do sỏi tiền đình, chủ yếu các em vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí, có bé mới 14 tuổi, còn đang học cấp hai.

Theo bác sĩ Nghĩa, không phải ngẫu nhiên mà rối loạn tiền đình ngày càng trẻ hóa. Có nhiều "thủ phạm" khiến hệ tiền đình của giới trẻ trở nên thất thường. Trong đó, stress là nguyên nhân hàng đầu, bởi những căng thẳng, áp lực thi cử, công việc, cuộc sống dễ khiến hệ thần kinh bị quá tải, kéo theo hệ tiền đình cũng "giận dỗi".

Thức khuya cũng là "bạn thân" của rối loạn tiền đình. Dù là "cú đêm" để cày phim, chơi game hay hoàn thành công việc, việc ngủ ít, ngủ muộn khiến não bộ không kịp phục hồi. Hệ tiền đình cũng vì thế mà hoạt động kém hiệu quả.

Lối sống thiếu vận động, ngồi lì hàng giờ trước máy tính, không tập thể dục, ăn uống thất thường làm ảnh hưởng đến sức bền của cơ thể, gây ảnh hưởng đến tai trong và chức năng tiền đình. Các nghiên cứu gần đây còn chỉ ra, việc thiếu hụt vitamin D, thiếu các hoạt động thể thao ngoài trời là yếu tố nguy cơ của rối loạn tiền đình do sỏi.

Ở người trẻ, việc sử dụng thiết bị số liên tục, gây ra hội chứng căng thẳng thị giác do thiết bị điện tử. Biểu hiện bởi tình trạng mỏi mắt, nhìn mờ, đau đầu do tiếp xúc màn hình điện tử kéo dài. Khi mắt căng thẳng, hệ thống phối hợp giữa thị giác và tiền đình dễ bị rối loạn, dẫn đến cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng, nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột.

Các bệnh lý nền như viêm tai giữa, thoái hóa cột sống cổ... cũng góp phần không nhỏ gây ra các tổn thương thần kinh tiền đình, hoặc các choáng váng căn nguyên cột sống. Ở người trẻ, các bất thường này thường do "lối sống công nghiệp hóa", ít quan tâm đến giữ gìn và chăm sóc sức khỏe.

Chẩn đoán rối loạn tiền đình - không chỉ dựa vào cảm giác

Khám tiền đình không chỉ là hỏi "có chóng mặt không" mà bác sĩ sẽ làm hàng loạt kiểm tra từ khám mắt, đánh giá tư thế dáng bộ, kiểm tra chuyển động nhãn cầu, hoặc hình ảnh học nếu cần. Các kỹ thuật hiện đại như ghi hình chuyển động nhãn cầu (VNG), bài kiểm tra kích thích nhiệt (Caloric test), bài kiểm tra đẩy đầu có ghi hình (vHIT), điện thính cơ tiền đình (VEMP) có thể được áp dụng ở một số trung tâm chuyên sâu.

"Phần lớn ca rối loạn tiền đình ở người trẻ là dạng lành tính, có thể phục hồi hoàn toàn nếu điều chỉnh đúng nguyên nhân và lối sống", bác sĩ Nghĩa nói.

Mới đây, chàng trai 20 tuổi, sinh viên đại học năm hai đến khám vì chóng mặt kéo dài, nhất là khi đứng lên hoặc đi lại, tự mua thuốc "tiền đình" uống nhiều đợt nhưng không đỡ. Khám lâm sàng và khảo sát tiền đình với hệ thống VNG, VHIT không ghi nhận dấu hiệu tổn thương thần kinh hay rối loạn tiền đình thực thể. Khai thác kỹ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân dùng điện thoại hơn 6 giờ mỗi ngày, đặc biệt còn lướt mạng xã hội, video trong bóng tối mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Bác sĩ chẩn đoán đây là hội chứng căng thẳng thị giác do thiết bị điện tử. Chỉ sau một tuần tập luyện tiền đình, thăng bằng chuyên biệt, đồng thời giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, triệu chứng cải thiện rõ rệt mà không cần dùng thuốc.

"Bí kíp 5T" phòng ngừa rối loạn tiền đình

Tắt máy sớm: Giảm tiếp xúc ánh sáng từ thiết bị điện tử.

Tập đều: Thể dục nhẹ mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe.

Thở sâu: Kỹ thuật hít thở giúp giảm stress.

Tĩnh tâm: Ngủ đủ giấc, đừng thức khuya hay ôm điện thoại.

Thăm khám định kỳ: Khi có dấu hiệu bất thường, đừng trì hoãn đến gặp bác sĩ.

Lê Phương

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn