Rau đặc sản ở Hòa Bình càng hái càng mọc, vị ngọt bùi, ăn lạ miệng

Rau mít rừng là đặc sản nức tiếng của bà con dân tộc Mường ở Hòa Bình, hút khách tìm mua vì ngon, vị ngọt bùi, ăn lạ miệng.
Cây mít rừng (hay còn gọi là mít ré, mít mi) là loại cây thân gỗ nhỏ, có nhiều nhánh mọc thành bụi, thuộc họ dâu tằm. Chúng mọc hoang trong rừng, phân bổ ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nhưng xuất hiện nhiều và phổ biến nhất là ở Hòa Bình.
Nhiều năm qua, bà con dân tộc Mường đã tận dụng lá và búp non của cây mít rừng để làm thức ăn, xem như loại rau đặc sản thơm ngon không phải nơi nào cũng có.
Thậm chí, khi nhu cầu sử dụng rau mít rừng ở trong và ngoài địa phương tăng cao, người Mường ở Hòa Bình còn tìm cách nhân giống, trồng loại cây này trong vườn nhà hay trên đồi để thuận tiện cho việc thu hoạch và đem bán.
Chị Bùi Thương (ở huyện Lương Sơn) cho biết, rau mít rừng mọc tự nhiên hay trồng đều có mùi vị thơm ngon và lành, sạch. Giống cây này rất khỏe, cứ trời mưa là đâm chồi nảy lộc, càng hái càng mọc và gần như không phải chăm sóc nhiều.
“Cây mít rừng được trồng tự nhiên, không cần tưới nước, chỉ cần bón thêm chút phân chuồng ủ hoai, tùy từng nhà. Lá cây có nhiều nhựa nên ít bị sâu cắn. Nhờ đó bà con không phải phun thuốc phòng trừ, thỉnh thoảng thấy xuất hiện sâu xanh có sừng thì bắt thủ công”, chị nói.
Theo người phụ nữ này, thời điểm rau mít rừng vào chính vụ là từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch hằng năm. So với các loại rau rừng khác, loại rau này có quãng thời gian thu hoạch dài hơn, có thể thu hái quanh năm nhưng thường không ra lộc vào những tháng mùa đông.
Chị Thương cũng cho hay, rau mít rừng có rất nhiều nhựa nên khi hái phải đeo găng tay và thao tác thật nhẹ để tránh làm rau dập nát. Người ta chỉ lựa hái lá và búp non, không chọn lá bánh tẻ hay lá già.
Với bà con dân tộc Mường ở Hòa Bình, rau mít rừng có thể chế biến thành nhiều món như xào tỏi, xào thịt trâu hoặc nấu canh, làm nộm.
Trước khi nấu, cần rửa sạch rau bằng nước muối loãng và đảo nhẹ tay để loại bỏ hết nhựa và tránh làm nát rau. Còn lúc chế biến, rau cần được nấu chín kỹ.
Không chỉ được xem như rau sạch, dùng để nấu ăn hàng ngày, rau mít rừng giờ còn xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn bản địa và trở thành món đặc sản được thực khách yêu thích.
Chị Minh Hồng (Hà Nội) từng có dịp thưởng thức rau mít rừng xào thịt trâu ở Hòa Bình nhận xét, món ăn có hương vị đặc trưng, lạ miệng, khác biệt so với một số loại rau rừng khác.
“Rau này có vị khá giống lá sung nhưng ngọt dịu tựa rau sắng. Người địa phương khéo léo xào rau cùng mỡ lợn và thịt trâu giúp món ăn mềm ngậy, bùi bùi hơn, thưởng thức cùng cơm nóng rất hấp dẫn”, chị Hồng nêu cảm nhận.