Ra mắt tập thơ và tiểu thuyết do NXB Đà Nẵng ấn hành trước khi giải thể

Đông đảo văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo từ TP.Huế, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã đến nghe 2 nhà báo Hồ Tấn Vũ và Trần Tuấn nói chuyện nhân buổi ra mắt 2 cuốn sách.
Ngày 17.5, tại Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng đã diễn ra buổi ra mắt và giao lưu sách của nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn, Trưởng đại diện Báo Tiền Phong miền Trung tại Đà Nẵng với tập thơ Sống là gì lâu quá đã quên và nhà báo Hồ Tấn Vũ, Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ khu vực Trung Trung bộ với tiểu thuyết Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng.
Mở đầu buổi giao lưu, nhà báo Trần Tuấn đưa ra lời cảnh báo đầy ám ảnh về tập thơ: "Ai không đủ năng lượng tinh thần thì nên cẩn trọng khi đọc. Tập thơ này có thể là một cái tát, một sự ám ảnh sâu sắc nếu không đủ độ sâu để tiếp nhận".
Anh nói rằng, trong thời đại công nghệ, con người ngày càng đánh mất chất người nên cần thi ca để "giữ lại phần người nguyên thủy nhất" và lấy ví dụ thế giới số như "những hang động khổng lồ đang nuốt chửng con người".
Với kết cấu 2 phần, trong phần Thở mang màu sắc Phật giáo, nhà báo Trần Tuấn phản ánh nhịp sống nơi mỗi hơi thở là một kiếp người. Phần Kệ lại gần với thiền ngữ, nhẹ nhàng, giản dị nhưng cũng đầy ám ảnh. Tác giả cho biết chính tập thơ này đã khiến ông rơi vào trầm cảm. Ông phải tránh né nó vì nỗi ám ảnh quá lớn mà tác phẩm mang lại.
Đọc Sống là gì lâu quá đã quên, người ta dễ liên tưởng đến cách mà anh từng sử dụng thân xác làm biểu tượng để bàn về tinh thần và cái chết, như trong tập thơ Ma thuật ngón (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2008) mà anh từng giành giải nhất giải Thơ Bách Việt lần thứ nhất (2009).
Với quan niệm mang màu sắc hư vô, từng phần cơ thể qua thơ, như bàn tay, con mắt, sợi tóc… trở thành biểu tượng cho sự sống mong manh và cái chết hiện hữu. Tác phẩm, vì thế, không chỉ là thơ mà là một dạng triết luận bằng ngôn ngữ nghệ thuật về thân - tâm, sinh - tử, thời gian - vô thường.
Có lẽ vì thế mà thơ của Trần Tuấn gây ám ảnh cho người đọc, chạm đến những lớp sâu kín của tâm thức. Nhưng cũng chính vì vậy, thơ trở thành nơi cất giữ, soi chiếu và giải thoát mà theo anh đó là một hình thức sống khác của chính anh trong từng hơi thở và từng câu chữ.
"Thơ ngắn, nhưng mỗi câu như một lát cắt. Có khi chỉ hai chữ cũng đủ làm người ta không thở nổi", Trần Tuấn nói.
6 tháng và 14 vạn chữ
Người dẫn cuộc trò chuyện - nhà thơ Từ Dạ Thảo (Phạm Xuân Hùng - VTV8) khi đề cập cuốn Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng đã không khỏi ngỡ ngàng trước khả năng làm việc của nhà báo Hồ Tấn Vũ cho tập tiểu thuyết đầu tay này.
"400 trang trong 6 tháng với 14 vạn chữ… Quả là một sự lao động nghiêm túc và miệt mài", nhà thơ Từ Dạ Thảo nói.
Hồ Tấn Vũ chia sẻ, cuốn tiểu thuyết là nơi lưu giữ cảm xúc, câu chuyện của chính bản thân anh và những người xung quanh. Theo anh, mỗi người đều có một câu chuyện và việc viết nên cuốn sách là cách để giải thoát tâm tưởng, "trút đi một gánh nặng".
Hơn 400 trang của cuốn tiểu thuyết là những lát cắt chiêm nghiệm của tác giả về quê hương, những người bạn, những khúc mắc, cả những chông chênh của một đời người.
Vũ kể, anh mất 6 tháng liên tục để hoàn tất tác phẩm này. Mỗi ngày viết gần 1.000 chữ và đặt ra kỷ luật cho bản thân buộc phải hoàn thiện và không được bỏ dỡ.
Trong suốt thời gian này, anh luôn trăn trở và xác định rõ từng nhân vật, kết cấu, xâu chuỗi từng câu chuyện để có thể truyền tải được câu chuyện của mình. Anh cho rằng, với bản thân anh hay ai trong chúng ta cũng vậy, quê hương là điều ám ảnh và quê hương là căn cốt góp phần định đoạt tính cách, nội tâm của một con người.
"Hy vọng tác phẩm góp thêm được một góc nhìn về cuộc đời và nếu ai đó đọc tác phẩm, thấy được một chút hình bóng họ trong đó, với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất", nhà báo Hồ Tấn Vũ nói và chia sẻ thêm: "Nếu không sinh ra ở vùng đất dưới chân núi Cà Tang, Nông Sơn, Quảng Nam ấy, có lẽ tôi không thể viết được những điều mình muốn".
Tại buổi ra mắt, nhiều văn nghệ sĩ tỏ ra bất ngờ khi nhà báo Hồ Tấn Vũ bước sang địa hạt tiểu thuyết với một tác phẩm dài hơn 400 trang. Có ý kiến cho rằng, tác phẩm của anh như một tiểu thuyết phóng sự mang màu sắc thời sự, có nét phảng phất của Vũ Trọng Phụng.
"Phải là người can đảm lắm, nếu không muốn nói là liều mạng, mới dám viết tiểu thuyết dày như vậy trong thời buổi này", một khách mời chia sẻ.
Ở góc độ chuyên môn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy (giảng viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Huế), cho rằng Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng là một tác phẩm văn học sinh thái - một cách tiếp cận mới trong văn học đương đại. Tác phẩm phản ánh mối quan hệ giằng xé giữa con người và thiên nhiên, giữa khát vọng đổi đời và những bi kịch tự thân.
Theo bà Tịnh Thy, một điểm đáng lưu ý khác là hình thức tiểu thuyết của Hồ Tấn Vũ khá truyền thống, tuyến tính, "kể từ quá khứ đến hiện tại, không quá rối rắm", phù hợp với độc giả phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế kỹ thuật, như cách dùng đại từ chưa ổn, một số lỗi in ấn và cách dẫn chuyện đôi chỗ vụng về.
"Với một người rẽ ngang sang viết văn mà có thể cho ra đời một tiểu thuyết dày như vậy thì rõ ràng sức viết rất lớn. Sau tác phẩm này, Hồ Tấn Vũ hoàn toàn có thể tạo ra những tác phẩm đẹp hơn, kỹ thuật tốt hơn", bà Tịnh Thy nói.
Kết thúc buổi ra mắt sách, nhà báo Hồ Tấn Vũ và nhà báo Trần Tuấn cùng cho biết cả 2 tác phẩm này đều do NXB Đà Nẵng in, phát hành vào đầu năm 2025 trong bối cảnh nhà xuất bản này chuẩn bị giải thể. Đó là một kỷ niệm và cũng là một "phép xin cuối cùng" để giữ lại giá trị tinh thần.