Quyền lực của những cha mẹ chia thừa kế 'bất công'

Thời gian qua, có nhiều bài viết chia sẻ về các câu chuyện phân chia thừa kế trong gia đình. Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều cũng được đưa ra, có người ủng hộ chia đều cho con cái, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Tuy nhiên, không ít người cho rằng chỉ chia cho đứa nào chăm cha mẹ nhiều nhất, hay cha mẹ muốn cho ai cũng được, con cái không được quyền đòi hỏi.
Liên quan đến chuyện cha mẹ chia tài sản thừa kế cho con cái, tôi thấy nhiều người hiểu theo cách một chiều rằng "tài sản là của cha mẹ nên muốn cho ai thì cho". Thậm chí có ý kiến còn cho rằng cha mẹ "có quyền" phân chia tài sản "không công bằng" và buộc con cái phải chấp nhận. Theo tôi, cách nghĩ như vậy là có phần ích kỷ và hiểu sai về quyền sở hữu tài sản.
Bạn sở hữu tài sản không có nghĩa là bạn thoải mái sử dụng nó hay chuyển giao nó mà không thèm đếm xỉa đến người khác. Quyền sở hữu tài sản của bạn phải tuân thủ theo luật pháp, đạo đức và lẽ công bằng. Ví dụ, bạn sở hữu một doanh nghiệp không có nghĩa là bạn thích kinh doanh kiểu nào cũng được, bạn phải đảm bảo quyền lợi của công nhân, người tiêu dùng, cư dân và môi trường nơi bạn kinh doanh.
>> Các chị nhường tôi thừa kế hết đất vì là con trai
Đối với câu chuyện thừa kế, mặc dù trên luật pháp không có quy định ràng buộc về việc phân chia công bằng, nhưng việc phân chia bất công là vô trách nhiệm, tạo gương xấu cho người khác: đối xử bất công với người không được chia, khiến người được hưởng nhiều trở nên ỷ lại, mất ý chí phấn đấu, dung dưỡng mặt xấu trong họ, khiến cho anh em, gia đình xào xáo, mâu thuẫn hiềm khích...
Thậm chí việc chia tài sản dựa theo định kiến như "trọng nam khinh nữ" lại càng củng cố thêm các suy nghĩ lạc hậu trong xã hội. Những người ủng hộ "cha mẹ có quyền phân chia tài sản không công bằng" dường như chỉ nghĩ đến lợi ích, cảm xúc của bản thân, chứ không nghĩ đến người khác và các hậu quả khác do hành vi cảm tính của mình gây ra.
Nói tóm lại, tài sản của bạn không có nghĩa là bạn thích cho ai thì cho, chia thế nào thì chia. Phàm là bất kỳ việc gì đều phải hợp tình hợp lý, công bằng khách quan. Chia tài sản cũng vậy. Gia đình tôi cũng luôn đảm bảo nguyên tắc công bằng trong phân chia tài sản thừa kế, không bao giờ có chuyện nhà nhiều con nhưng chỉ cho một đứa. Còn bạn thì sao?
H. Hougi