Quy định phòng chống Covid-19 hiện hành: Không cách ly bắt buộc

Trước lo ngại dịch Covid-19 có xu hướng tăng tại một số nước, trong đó có dấu hiệu tăng nhẹ ở Việt Nam, Bộ Y tế khẳng định chưa có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn băn khoăn về quy định cách ly và phòng dịch hiện nay.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện vẫn đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, để ứng phó linh hoạt trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn về dự phòng, điều trị, phòng chống lây nhiễm. Trong đó, Quyết định 3985 ngày 29.10.2023 là văn bản mới nhất, quy định các biện pháp giám sát và phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng mà người dân cần lưu ý.
Không còn cách ly bắt buộc
Theo hướng dẫn, người mắc Covid-19 không bị bắt buộc cách ly y tế như giai đoạn trước. Thay vào đó, Bộ Y tế khuyến cáo tự cách ly tại nhà ít nhất 5 ngày, tiếp tục đeo khẩu trang đến ngày thứ 10 để tránh lây lan.
Người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai… nên xét nghiệm sớm để được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Bộ Y tế tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện 2K – Khẩu trang và Khử khuẩn, đặc biệt tại nơi công cộng, đông người và các cơ sở y tế.
Ngoài ra, cần duy trì thông khí nơi ở, làm việc, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp…
Ổ dịch Covid-19 được xác định như thế nào?
Hướng dẫn này cũng cập nhật lại khái niệm ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh xác định.
Theo đó, ca nghi ngờ là người có triệu chứng sốt, ho, hoặc các biểu hiện viêm đường hô hấp. Ca xác định là người có xét nghiệm PCR hoặc test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Ổ dịch Covid-19 được xác định khi có từ 2 ca bệnh trở lên có liên quan dịch tễ, trong đó ít nhất một ca xác định. Ổ dịch được coi là kết thúc khi sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Chuyển sang quản lý bền vững, không còn là tình trạng khẩn cấp
Từ ngày 5.5.2023, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Như vậy, hướng dẫn phòng chống dịch hiện nay của Bộ Y tế tập trung vào việc giám sát, ứng phó linh hoạt và quản lý dịch bệnh Covid-19 một cách bền vững, thay vì các biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt như trước đây.
Các địa phương, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp… được yêu cầu chủ động theo dõi tình hình dịch, phối hợp với cơ quan y tế khi xuất hiện ca bệnh, đồng thời lồng ghép giám sát Covid-19 với các bệnh hô hấp khác như cúm mùa, viêm phổi do vi rút.