Quốc vụ khanh Đan Mạch: Việt Nam là đối tác toàn cầu

Trong 2 năm rưỡi qua, bà Lina Gandløse Hansen, quốc vụ khanh phụ trách thương mại và đầu tư của Bộ Ngoại giao Đan Mạch, đã 3 lần đến Việt Nam, cho thấy sự quan tâm của nước này đối với mảnh đất hình chữ S.
Trong chuyến thăm mới nhất vào tháng 4 vừa qua, bà đã có cuộc trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online những kỳ vọng của Đan Mạch về hợp tác thương mại, đầu tư trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm đến năng lượng tái tạo
* Nhắc đến đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam, chúng ta có các minh chứng sống động là Lego và Pandora nhưng thương mại hai chiều đang nghiêng về Việt Nam hơn. Có trở ngại gì cho doanh nghiệp Đan Mạch nói chung không?
- Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm công nghiệp và tôi tin đất nước này sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay.
Kim ngạch thương mại đang có chiều hướng tích cực, với xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam trong năm 2025 tính đến nay đã đạt 184,9 triệu krone Đan Mạch, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về những trở ngại, tôi nghĩ rằng thực ra các công ty Đan Mạch có được đặc trưng là mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao.
Tuy nhiên, giống như các công ty từ hầu hết các quốc gia khác, tính minh bạch và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ có tầm quan trọng đáng kể đối với các công ty.
Trong số rất nhiều lĩnh vực, các công ty Đan Mạch có thể cung cấp cả công nghệ và thiết bị góp phần vào hiệu quả là tăng trưởng và chuyển đổi xanh.
* Là một quốc gia có nhiều nhà sản xuất tua bin gió hàng đầu thế giới, Đan Mạch đánh giá tiềm năng của thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam như thế nào và các doanh nghiệp Đan Mạch muốn Việt Nam cải thiện gì?
- Các công ty Đan Mạch hàng đầu đều đã hiện diện tại Việt Nam như Vestas, Maersk, Grundfos và Rambøl. Những tập đoàn LEGO và Pandora là ví dụ về những khoản đầu tư lớn để thành lập nhà máy và đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào năng lượng tái tạo bởi họ muốn có điện sạch.
Nói cách khác, có sự quan tâm lớn từ các công ty Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió.
Chúng tôi đã thấy những tín hiệu rất tốt từ chính quyền Việt Nam. Ví dụ, Quy hoạch điện 8 có vẻ sẽ giữ mục tiêu 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Một bước tiến lớn theo đúng hướng là nghị định 57, cho phép ký kết thỏa thuận mua điện trực tiếp, cho phép các nhà sản xuất năng lượng tái tạo tư nhân thực sự bán điện trực tiếp cho những người tiêu dùng lớn.
Đối tác toàn cầu trong thế giới bất định
* Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong thương mại, bà đánh giá thế nào về môi trường thương mại quốc tế hiện nay? Làm thế nào Việt Nam và Đan Mạch có thể hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh lo ngại về chiến tranh thương mại?
- Tôi phải nói thật rằng môi trường thương mại hiện tại rất không chắc chắn, đặc biệt do chính sách thuế quan của Mỹ và những tác động tiềm tàng của chúng.
Đan Mạch là một nền kinh tế nhỏ, có độ mở lớn nên chúng tôi sống nhờ vào khả năng của các công ty trong việc làm ăn với các quốc gia khác. Khi tôi nói chuyện với các công ty Đan Mạch tại Việt Nam, những tác động vẫn chưa chắc chắn do mức độ tiếp cận thị trường Mỹ và bối cảnh chung còn chưa ổn định.
Đối với chúng tôi, thương mại tự do, công bằng và dựa trên luật lệ rất quan trọng. Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ giúp chống lại những bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay.
Đó cũng là một trong nhiều lý do tại sao tôi ở đây, bởi với bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phân mảnh mà chúng ta đang thấy, cần phải có các liên kết chiến lược về kinh tế với mọi đối tác. Điều đó đòi hỏi các liên minh chiến lược và kinh tế mạnh mẽ với các đối tác toàn cầu.
Việt Nam là một đối tác toàn cầu như vậy đối với Đan Mạch và sẽ trở thành một trung tâm sản xuất và hậu cần cho các công ty Đan Mạch đang tìm cách đa dạng hóa.
Những thế mạnh của Đan Mạch trong công nghệ cao và công nghệ xanh sẽ hữu ích cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
* Đan Mạch sẽ bắt đầu đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu từ tháng 7 năm nay. Bà có thể chia sẻ những ưu tiên của Đan Mạch trên cương vị này? Việc hoàn tất phê chuẩn EVIPA và gỡ thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam liệu có làm được trong 6 tháng cuối năm 2025?
- Nếu chỉ tập trung vào các ưu tiên trong chính sách thương mại của EU, Đan Mạch sẽ nỗ lực xây dựng một châu Âu toàn cầu hơn và có quan hệ đối tác chặt chẽ hơn. Và trong thời điểm thuế quan tăng cao, ưu tiên chính sách thương mại của Đan Mạch trên cương vị chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu sẽ là mở rộng mạng lưới FTA của EU.
Đối với thẻ vàng, chúng tôi hy vọng EU và Việt Nam có thể phối hợp tốt hơn trong ngăn chặn nạn đánh bắt thủy sản trái phép, không khai báo và không quản lý (IUU). Chúng tôi ủng hộ một cuộc đối thoại chặt chẽ và liên tục giữa Ủy ban châu Âu và Việt Nam về cách thức theo dõi các khuyến nghị để cải thiện tình hình, từ đó gỡ bỏ thẻ vàng.
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi muốn nói đến mong muốn của EU là tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Đan Mạch vinh dự là một trong những quốc gia EU đầu tiên phê chuẩn EVIPA từ sớm và biết đâu khi tôi quay lại lần sau, chúng ta sẽ có nhiều đầu tư và thương mại hơn nữa giữa hai nước.