Quốc gia dạy AI cho trẻ 4 tuổi

![]() |
UAE dạy AI cho trẻ và tìm cách thay đổi chương trình môn toán. Ảnh: Freepik. |
Financial Times đưa tin UAE đang triển khai chương trình dạy trí tuệ nhân tạo (AI) cho học sinh từ những năm học đầu tiên tại các trường công lập.
Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh nước này đang nỗ lực trở thành trung tâm AI của khu vực và tránh lặp lại “sai lầm” trong quá khứ khi không phản ứng kịp thời với sự lan rộng của mạng xã hội, theo Bộ trưởng Giáo dục Sarah al-Amiri.
Ban đầu, nội dung AI chỉ dành cho học sinh trung học, nhưng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã thúc đẩy Bộ Giáo dục UAE mở rộng độ tuổi áp dụng xuống cả học sinh mẫu giáo.
“Chúng tôi nhận ra rằng trong cuộc sống hàng ngày, kể cả trẻ em từ 4 tuổi cũng đã tiếp xúc với AI theo cách này hay cách khác", nữ bộ trưởng nêu quan điểm.
Như vậy, học sinh UAE sẽ được học cách suy nghĩ phản biện về những kết quả do chatbot AI như ChatGPT tạo ra. Học sinh cần hiểu rằng AI cũng phạm sai lầm, có nghĩa là khi nhận được một kết quả, các em không nên chấp nhận nó một cách mù quáng.
Việc sử dụng AI một cách có đạo đức cũng sẽ là một phần trong chương trình giảng dạy. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ học cách viết prompt cho AI và sử dụng AI để nghiên cứu mà không đạo văn.
Trong khi nhiều quốc gia đã đưa các bài học về AI vào trường học, quốc gia vùng vịnh này lại quyết định đầu tư mạnh mẽ để định vị mình như một "điểm nóng" về AI. Sáng kiến này cũng phần nào nhằm chuẩn bị cho học sinh bước vào môi trường làm việc trong tương lai.
Dù là một quốc gia giàu có với mức sống cao, một nghiên cứu năm 2022 cho thấy học sinh UAE có thành tích thấp hơn mức trung bình của OECD trong các môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện của học sinh - những năng lực thiết yếu để chuẩn bị cho lực lượng lao động trong tương lai - cũng rất kém.
Khi được hỏi liệu thành tích học tập thấp của học sinh có gây khó khăn cho việc áp dụng chương trình AI hay không, bà Amiri cho biết bộ đang tập trung cải thiện kết quả học tập của trẻ thông qua các sáng kiến mang tính chuyển đổi. Nhưng điều đó không phải là lý do để trì hoãn việc giới thiệu một chương trình giảng dạy tập trung vào các hệ thống công nghệ mới nổi.
Bà Amiri lập luận rằng một “chương trình giảng dạy hướng tới tương lai” cần được áp dụng để cải thiện trình độ học sinh. Ngoài ra, bộ cũng đang cải cách chương trình môn Toán.
Khoảng cách lớn nhất giữa người với người chính là sự hiểu biết về thế giới. Rất ít người có nhận thức sâu sắc và đúng đắn về bản chất để tìm ra hướng thay đổi đúng đắn. Vì con người chính là nhân tố quan trọng nhất để thay đổi thế giới, nên nếu bạn hiểu sai về mình, định hướng sai con đường mình đi thì thế giới sẽ thay đổi theo hướng bạn không mong muốn.
Lý giải sâu hơn về điều này, tác giả Thuỷ Mộc Nhiên trong Từ Thành Nhân Đến Thành Công đã thể hiện quan điểm cụ thể rằng: Để thay đổi thế giới, chúng ta phải biết cách khai thác tiềm năng trong mình, nhìn sâu vào lòng người, tìm hiểu bản chất, tính cách của họ. Suy cho cùng, mọi vấn đề trên đời đều là vấn đề của con người, bao gồm tính cách, sự tu dưỡng và khuôn mẫu.