Nhảy đến nội dung
 

Quốc gia châu Âu nơi gấu lang thang tự do

Nhiều nỗ lực đang được triển khai nhằm tìm ra giải pháp dung hòa - vừa bảo vệ loài gấu, vừa đảm bảo an toàn cho du khách và vật nuôi tại Romania.

Việc ngắm gấu từ lâu đã là hoạt động thu hút khách du lịch ở Romania. Ảnh: Alamy

Romania là một trong những nơi sinh sống của quần thể gấu nâu hoang dã lớn nhất châu Âu, chỉ sau Nga.

Khoảng 13.000 con gấu đang sinh sống trong và xung quanh những cánh rừng nguyên sơ của dãy núi Carpathian, theo BBC.

Việc ngắm gấu từ lâu đã là hoạt động thu hút khách du lịch ở Romania. Nhưng trước đây, điều này không đồng nghĩa với việc phải mạo hiểm vào sâu trong rừng.

"Không lâu trước đây, việc nhìn thấy một con gấu bị nhốt trong lồng đặt bên ngoài các cửa hàng để thu hút khách là chuyện rất bình thường", người dẫn chương trình Reece Parkinson chia sẻ trên chương trình The Travel Show của BBC.

Khi Romania gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2007, quốc gia này bắt đầu tuân thủ Chỉ thị về Vườn thú của EU, trong đó ban hành hướng dẫn về cách đối xử với động vật nuôi nhốt.

Trong suốt 18 năm qua, Romania đã chuyển hướng sang phương thức nhân đạo và bền vững hơn để giới thiệu về một trong những miền đất hoang dã cuối cùng của châu Âu cùng loài gấu nâu phát triển mạnh mẽ tại đây.

Thực tế này vừa mở ra cơ hội, vừa đặt ra thách thức cho các cộng đồng xung quanh.

Cơ hội

Một mặt, du lịch bền vững gắn liền với gấu tại Romania đang trên đà phát triển. Nhiều đơn vị tổ chức tour, như Outdoor Holidays và Much Better Adventures, hiện cung cấp cho du khách chuyến đi bộ đường dài “ngắm gấu” có hướng dẫn tại các khu rừng nơi gấu nâu sinh sống.

Điều này không chỉ mang lại cơ hội kinh tế cho cộng đồng nông thôn của Romania mà còn góp phần khuyến khích việc bảo tồn lâu dài môi trường sống của loài gấu.

Thậm chí còn có một nơi trú ẩn an toàn dành riêng cho gấu: Khu bảo tồn Gấu Libearty.

Nơi đây nằm ở phía nam dãy núi Carpathian, tại thị trấn Zarnesti, là khu bảo tồn gấu nâu lớn nhất thế giới. Không chỉ cứu hộ cùng chăm sóc y tế cho những chú gấu từng bị nuôi nhốt và không thể tái thả về tự nhiên, khu bảo tồn này còn tổ chức tour tham quan cho công chúng.

gau o Romania anh 1

Khoảng 13.000 con gấu đang sinh sống trong và xung quanh những cánh rừng nguyên sơ của dãy núi Carpathian. Ảnh: Alamy.

Các tour này cho phép du khách quan sát gấu trong khu vực rừng sồi và đồng cỏ rộng 69 hecta.

"Trong 20 năm qua, Cristina Lapis và nhóm của cô ấy (tại Khu bảo tồn Gấu Libearty) đã trao mái ấm cho hơn 130 con gấu tại vùng Transylvania", Parkinson cho biết.

Nguy cơ

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với người bạn hàng xóm đầy lông lá này. Khi số lượng gấu gia tăng, những cuộc chạm trán nguy hiểm với con người cũng trở nên nhiều hơn.

Một số nông dân địa phương đã vận động hành lang để yêu cầu giảm bớt số lượng gấu nâu tại Romania. Nhiều người trong số họ mất gia súc vì gấu.

Du khách cũng đã có những cuộc xung đột với gấu, thường là do chạm trán bất ngờ khi đi bộ đường dài trên núi. Một số trường hợp trở thành mối nguy hiểm chết người.

Dù vậy, Lapis, người điều hành khu bảo tồn, khẳng định sự việc như vậy hiếm khi xảy ra.

"Tôi biết hàng trăm nghìn trường hợp những người quen đi vào rừng nhìn thấy gấu nhưng không có chuyện gì xảy ra. Vì vậy (phải) có điều gì đó đặc biệt thì mới xảy ra tai nạn", Lapis nói. "Khi bạn đi trong rừng... điều quan trọng là phải gây tiếng động. Nếu bạn gây tiếng động, con vật sẽ biết bạn đang đến và tránh đi".

Hiện nay, nhiều nỗ lực đang được triển khai nhằm tìm ra giải pháp dung hòa, vừa bảo vệ loài gấu, vừa đảm bảo an toàn cho du khách và vật nuôi.

Gấu nâu đang được luật pháp Romania bảo vệ. Trong khi đó, chương trình tái trồng rừng và giáo dục cộng đồng được thực hiện nhằm ngăn chặn gấu xâm nhập vào khu vực sinh sống của con người để kiếm ăn, đồng thời hướng dẫn con người cách ứng phó khi gặp gấu trong rừng.

Hầu hết cuộc chạm trán nguy hiểm tính mạng với gấu đều bắt nguồn từ lỗi của con người, chủ yếu là do làm gấu giật mình hoặc tương tác không phù hợp với gấu con, khiến gấu mẹ trở nên hung dữ để bảo vệ con.

Vì vậy, khi đi bộ trong khu vực có gấu, dù ở Romania hay bất cứ nơi nào khác, điều quan trọng là phải nói to hoặc vỗ tay thường xuyên để cảnh báo và cho động vật có thời gian tránh đi.

Nếu vô tình chạm trán gấu, hãy cố gắng làm cho mình trông to lớn hơn và lùi dần về phía sau.

"Chúng ta không thể sống một mình (trong vùng hoang dã)", Lapis chia sẻ. "Chúng ta phải học cách cùng chung sống".

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.