Quảng Ngãi mới sau sáp nhập: Đánh thức lợi thế du lịch từ núi đến biển

Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi không chỉ mở rộng địa giới hành chính mà còn mở ra một không gian phát triển du lịch chưa từng có, nơi đại ngàn Tây Nguyên hòa nhịp với biển đảo tiền tiêu, nơi bản sắc văn hóa 43 dân tộc cùng thăng hoa trong một khát vọng chung.
Với Măng Đen, đảo Lý Sơn và hệ thống kết nối liên vùng, Quảng Ngãi sẽ từng bước khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược của du lịch xanh - bản sắc - bền vững khu vực miền Trung.
Kết nối những giá trị độc đáo
Từ ngày 1/7/2025, cái tên Quảng Ngãi không còn chỉ gói gọn trong dải đất duyên hải miền Trung. Sau sáp nhập (Quảng Ngãi và Kon Tum), tỉnh Quảng Ngãi mới hiện lên như một miền đất hội tụ có biển cả, có đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, có cả những giá trị văn hóa sinh thái được dệt nên từ 43 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong bức tranh phát triển tổng thể ấy, du lịch chính là ngành kinh tế mũi nhọn đầy tiềm năng, nơi Quảng Ngãi có thể “cất cánh” nếu biết khai thác hợp lý các lợi thế sẵn có.
![]() |
Giờ đây 43 dân tộc anh em, những sợi chỉ đa sắc màu đang cùng nhau dệt nên một tấm thổ cẩm lớn mang tên Quảng Ngãi. |
Trên bản đồ du lịch mới, Quảng Ngãi ghi dấu với hai cực đối xứng nhưng hài hòa Lý Sơn được ví như thiên đường du lịch giữa biển khơi và Măng Đen, Đà Lạt thứ 2 với không khí trong lành, nguyên sơ. Một bên là nơi lưu giữ trầm tích văn hóa biển đảo, một bên là không gian sinh thái cao nguyên, nơi hội tụ nét đẹp bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sự kết hợp đa dạng này đã và đang mở ra hướng phát triển du lịch toàn diện, bền vững, liên kết từ núi rừng về tới biển đảo, tạo ra những hành trình khám phá độc đáo, đặc trưng mà ít nơi nào trên cả nước có được.
Măng Đen, trung tâm vùng cao nguyên của tỉnh mới, những năm gần đây đã trở thành điểm dừng chân yêu thích của du khách khắp nơi. Với rừng thông reo, khí hậu mát lạnh, văn hóa cồng chiêng và hệ thống lưu trú cộng đồng đậm đà bản sắc, nơi đây đang định hình là một trong những trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tiêu biểu của Tây Nguyên. Việc quy hoạch mở rộng hạ tầng, trong đó có sân bay Măng Đen, sẽ là cú huých lớn, đưa Măng Đen thoát khỏi vai trò vệ tinh, vươn mình trở thành cửa ngõ du lịch cao nguyên.
![]() |
Vào mùa, mai anh đào “nhuộm hồng” Măng Đen. |
Ngược về biển, đảo Lý Sơn giờ đây mang tầm vóc mới khi trở thành Đặc khu và tiếp tục là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. Lý Sơn không chỉ là nơi sở hữu cảnh quan hùng vĩ của núi lửa, biển xanh và đá trầm tích hàng triệu năm, mà còn là không gian văn hóa Hoàng Sa, Trường Sa sống động, gắn liền với lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự đã tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo, những di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các tour trải nghiệm nghề trồng tỏi, hành trên đất cát sản phẩm OCOP nổi tiếng đang thu hút lượng lớn khách quốc tế muốn hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa. Từng luống tỏi xanh, từng giếng cổ, từng vách núi mang hình thù kỳ lạ như Hang Câu, Cổng Tò Vò… tạo nên một quần thể du lịch tự nhiên và văn hóa mà chỉ riêng Lý Sơn mới có.
Nơi bản sắc hòa nhịp phát triển
Sau sáp nhập, Quảng Ngãi mới sở hữu ba vùng sinh thái chiến lược núi cao nguyên - đồng bằng - biển đảo, tạo ra thế liên hoàn để thúc đẩy du lịch đa dạng và đột phá. Không chỉ gắn với cảnh quan, sinh thái, Quảng Ngãi còn có chiều sâu lịch sử, văn hóa và bản sắc dân tộc độc đáo, đây chính là tài nguyên vô hình quý giá để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
![]() |
Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh ở đặc khu Lý Sơn. |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh: “Tương lai của Quảng Ngãi là phát triển nông nghiệp nhưng là nông nghiệp mang giá trị xanh, từ những tiềm năng xanh. Phát triển du lịch với những lợi thế để lan tỏa hình ảnh của biển cả bao la, của đại ngàn Tây Nguyên trùng điệp, của con người hiền hậu, của những giá trị văn hóa được gìn giữ nguyên vẹn qua năm tháng”.
Khát vọng đó càng được củng cố thêm bởi hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, tương lai là sân bay Măng Đen và các tuyến quốc lộ xuyên vùng nối liền miền núi với biển. Từ Lý Sơn có thể kết nối với Măng Đen trong vòng vài giờ, từ biển về núi chỉ là một hành trình ngắn, mở ra cơ hội hình thành các tour du lịch tuyến xuyên tỉnh, kết nối nội địa mạnh mẽ và đón đầu dòng khách quốc tế.
Sự bứt phá ấy không chỉ đến từ nội lực, mà còn từ tinh thần đại đoàn kết. “Giờ đây 43 dân tộc anh em, những sợi chỉ đa sắc màu đang cùng nhau dệt nên một tấm thổ cẩm lớn mang tên Quảng Ngãi. Từ tiếng cồng chiêng bên mái nhà rông của đồng bào Kon Tum đến tiếng hát bả trạo của ngư dân nơi cửa biển Quảng Ngãi, chúng ta cùng nhau bước vào hành trình mới. Chung một niềm tin, chung một một khát vọng để tỉnh Quảng Ngãi mới trở thành miền đất hội tụ bản sắc, lan tỏa sức mạnh và bừng sáng tương lai”, bà Vân bày tỏ.