Nhảy đến nội dung

Quảng bá sản phẩm OCOP thế nào để tránh bài học kẹo Kera?

Sản phẩm OCOP Quảng Nam – Đà Nẵng có thế mạnh từ kinh nghiệm dân gian, nhưng làm sao để đảm bảo pháp lý khi quảng bá về chức năng, công dụng là điều các nhà sản xuất cần lưu ý.

Ngày 26.4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam và Đà Nẵng cùng UBND Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) tổ chức hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm OCOP với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng, nhằm tăng cường hợp tác, phát triển, thúc đẩy giao thương 2 địa phương trước khi hợp nhất, đồng thời chào mừng các ngày lễ lớn 50 năm giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng, 50 năm đất nước thống nhất.

Tại đây, nông dân, hộ kinh doanh, các cơ sở sản xuất nông sản, sản phẩm OCOP 2 tỉnh thành đã thảo luận và được các chuyên gia tư vấn về việc cải tiến sản phẩm, nâng cấp bao bì, mẫu mã để phù hợp với xu thế marketing, kỹ năng đàm phán, bán hàng trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử…

Các nhà cung cấp đặc biệt quan tâm đến vấn đề pháp lý đối với các sản phẩm nông sản liên quan đến thực phẩm, dinh dưỡng, nhất là việc nêu công dụng trên nhãn mác, quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng để tránh vướng vào các vi phạm giống một số sản phẩm trên mạng xã hội thời gian qua như kẹo rau củ Kera.

Đơn cử, một chủ cơ sở sản xuất chia sẻ, sản phẩm ngũ cốc của đơn vị có chức năng lợi sữa cho sản phụ, nhưng sau khi tìm hiểu về các quy định, cơ sở đã bỏ chữ "lợi sữa" ra khỏi nhãn mác.

Nghịch lý ở chỗ, khi nêu chức năng trên nhãn, dù vi phạm nhưng sản phẩm vẫn bán chạy, khi bỏ nhãn "lợi sữa" thì bán rất chậm, người mua thắc mắc sản phẩm có chức năng này hay không.

Cơ sở này cũng tìm hiểu, được tư vấn nếu muốn đảm bảo pháp lý nêu chức năng cho sản phẩm, thì quy mô đầu tư phải trên 2 tỉ đồng, điều này quá sức so với cơ sở nhỏ lẻ.

Tương tự, một số chủ cơ sở sản phẩm thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng thắc mắc về nguyện vọng ghi chức năng của sản phẩm lên bao bì, nhãn mác thì phải làm sao để đúng quy định.

Bà Lê Thị Mỹ Nga, Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ Weangels, tư vấn rằng hiện nay một số sản phẩm trên thị trường quảng cáo công dụng nhưng vi phạm không xác thực bằng các bằng chứng khoa học, mà vừa qua kẹo Kera là một bài học.

"Dù biết rằng trong sản phẩm từ cây này, loại dược liệu kia có tác dụng đấy, nhưng phải có bằng chứng khoa học. Ví dụ ngũ cốc có chức năng lợi sữa thì trước tiên phải được xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho con người, hai là phải test xem thử thành phần lợi sữa thể hiện trên cơ sở khoa học là gì, hàm lượng bao nhiêu, nếu có xác nhận thì có quyền công bố. Tại TP.Đà Nẵng thì có Quatest 2 (Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2) là đơn vị nhà nước test các sản phẩm và công bố thành phần sản phẩm, việc test không mất bao nhiêu tiền", bà Lê Thị Mỹ Nga chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết thêm trong các thế mạnh của sản phẩm OCOP Quảng Nam – Đà Nẵng, có nhóm sản phẩm thực phẩm từ nguồn nguyên liệu, dược liệu, thảo mộc địa phương, với kinh nghiệm dân gian. Nhưng nông dân, cơ sở sản xuất cần lưu ý kiến thức dân gian là kinh nghiệm tham khảo, còn đưa vào quảng bá, công bố chức năng thì phải có pháp lý đảm bảo.

"Có thể kiến thức dân gian thì ai cũng biết nhưng phải chứng minh bằng công trình nghiên cứu, đề tài mới đưa vào công dụng thực phẩm. Nếu không thì rất dễ vi phạm, đơn vị sẵn sàng mời các chuyên gia để tư vấn cho nhà cung cấp sử dụng dùng ngôn ngữ phù hợp", ông Nguyễn Thế Hùng nói.