Nhảy đến nội dung

Quán cà phê 'nghèo' ở khu 'đất kim cương', nơi lưu giữ ký ức Hà Nội

Gần 40 năm nằm nép mình trên tầng hai của một ngôi nhà cổ ven Hồ Gươm, mặc cho bên ngoài đổi thay, cà phê Đinh vẫn vẹn nguyên nét mộc mạc, trở thành nơi để thực khách tìm về một Hà Nội xưa cũ.

"Tôi uống cà phê ở đây từ năm 18, 19 tuổi, khi là sinh viên Đại học Bách Khoa. Bây giờ con trai tôi sắp tốt nghiệp đại học.

Con phố Đinh Tiên Hoàng thay đổi quá nhiều, ồn ào, đông đúc. Chỉ có cà phê Đinh vẫn thế, cũ kỹ, bình lặng, đầy hoài niệm”, nhấp ngụm cà phê cuối cùng trong cốc, vị khách tuổi trung niên tâm sự. 

"Có chăng, điều thay đổi nhất, là giờ u Bích không còn. Chắc những vị khách từ thuở ấy vẫn nhớ mãi hình ảnh u hiền dịu, nhẹ nhàng, mang nét đẹp thanh tao của một phụ nữ Tràng An”, anh nói rồi vội vã rời đi. Đôi mắt có chút bâng khuâng. 

Trong quán, bản tình ca nổi tiếng những năm 2000 "Em về tinh khôi" phát ra du dương từ chiếc loa nhỏ: "Bờ vai ơi, đừng quá nghiêng nghiêng đánh rơi buổi chiều thơm ngát. Làn môi ơi, đừng quá run run lỡ tia nắng hồng tan mất…".

Đúng như vị khách nói, cà phê Đinh là nơi đầy hoài niệm của Hà Nội.

Gần 40 năm, cà phê Đinh vẫn nằm lặng lẽ trên gác hai căn nhà Pháp cổ, được xây dựng năm 1909, ngay mặt phố Đinh Tiên Hoàng, hướng ra hồ Hoàn Kiếm. Phía trước quán là cây xà cừ lâu năm và cây lộc vừng đang mùa thay lá. 

Tầng một trước đây ít năm là cửa hàng bán balô, túi xách, vali… Thực khách phải len qua lối đi hẹp đầy hàng hóa để đến chiếc cầu thang nhỏ dẫn lên tầng hai. Năm ngoái, góc cửa hàng đã được sang sửa để mở thêm không gian cho cà phê Đinh, chừng 20m2. 

Còn quán cà phê Đinh "nguyên gốc" vẫn nằm trong căn phòng 40m2 ở tầng hai (trước đây chỉ 25m2), với kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà phố cổ: Không gian nhỏ hẹp, hơi tối với chiếc gác xép gỗ lâu năm.

Trong quán xếp gọn gàng được chục bộ bàn ghế gỗ thấp, đã nhuốm màu thời gian. Trên bức tường có vài chỗ tróc vôi, loang lổ là những bức ảnh trắng đen của bà chủ quán lúc sinh thời, từ khi còn là cô bé Hà Nội tóc buộc nơ, tới lúc lấy chồng, sinh con và khi về già - cần mẫn chăm chút cho quán cà phê nhỏ.

Ở góc quán hay bệ cửa ngăn phòng, vẫn luôn có một bình gốm nâu trầm cắm khóm hoa, khi là hoa ly, khi loa kèn, khi cúc họa mi.

"Bà ấy mất rồi nhưng hình ảnh bà ấy vẫn mãi ở lại đây, trong lòng tôi, các con, các cháu và rất nhiều vị khách”, ông Tạ Duy Khoa, chồng "u Bích" trải lòng.

Ở tuổi 83, hàng ngày, dù nắng hay mưa, ông Khoa đều chạy xe máy từ nhà riêng ở Huỳnh Thúc Kháng lên số 13 Đinh Tiên Hoàng. Ông thường mặc sơ mi, mùa lạnh thì thêm chiếc gile len tối màu, cử chỉ nho nhã, gương mặt hiền hậu. Lúc đông khách, cụ ông 83 tuổi vẫn nhiệt tình “chạy bàn”.

Ông chỉ tay về quầy pha chế, về mấy bộ bàn ghế: "Những đồ gỗ này đều có tuổi đời 30, 40 năm. Cái nào gãy hỏng nghiêm trọng, không thể sửa chữa tôi mới bỏ đi"

Bao năm qua, nhắc tới cà phê Đinh, người ta vẫn nhớ tới chiếc ban công nhỏ, nơi có thể thu gọn hồ Hoàn Kiếm vào trong tầm mắt. Trước đây, thực khách phải đến rất sớm mới "chiếm" được vị trí "đắc địa" này.

Người may mắn có chỗ ngồi tại đây thì cứ mải mê hàng vài giờ không nỡ đứng lên, mặc cho những người khác thấp thỏm mong chờ.

Ít năm trở lại đây, ông Khoa không đặt bàn ở ban công này nữa. Đây trở thành “không gian chung” để mỗi vị khách ghé tới quán đều có thể ra vào ngắm cảnh, chụp ảnh, tận hưởng "góc view đắc địa".

Không chỉ có một không gian "ngưng đọng" với thời gian, giữ mãi những nét xưa cũ đặc trưng của ngôi nhà phố cổ Hà Nội, mức giá của cà phê Đinh cũng dường như đứng ngoài "cơn bão giá" ngoài kia. Mỗi ly cà phê từ 25.000-35.000 đồng, nước chanh 20.000 đồng…

Ông Khoa và bà Bích (1943-2012) là "thanh mai trúc mã", cùng nhau lớn lên giữa phố cổ Hà Nội. 

Bà Bích là con gái của cụ Nguyễn Văn Giảng, người khai sinh ra món cà phê trứng nức tiếng. Từ nhỏ đã phụ giúp cha nên bà Bích cũng am hiểu cách pha cà phê. Nhưng thủa ấy, cô gái Hà Nội không có ý định theo nghề cha mà học sư phạm văn rồi về dạy trường làng ở Thường Tín (Hà Tây cũ). 

Năm 1967, ông bà cưới nhau. Ông Khoa không giấu nổi tự hào mỗi khi nhắc về vợ mình, một người phụ nữ đẹp dịu dàng, nói chuyện nhỏ nhẹ, ân cần, luôn nở nụ cười. 

"Ngày đó, tôi bị huyết áp thấp, bác sĩ khuyên nên uống cà phê đều đặn. Mỗi sáng, bà ấy đều pha cà phê cho tôi”, ông Khoa kể. 

Năm 1983, bà Bích về nghỉ hưu sớm còn ông Khoa tiếp tục công tác ở Viện Thiết kế của Bộ Nông nghiệp. Để lo cho ba người con ăn học, bà Bích phụ giúp bố đẻ kinh doanh ở quán cà phê số 7 Hàng Gai. 

Ông Khoa kể, những năm 1960-1965, sữa không có nhiều và đắt đỏ, cụ Giảng đã nghĩ ra cách dùng trứng thay váng sữa, để ai ai cũng có thể uống cà phê ngon như cappuccino, nhưng giá lại rất rẻ.

Đến sau năm 1970, khi có máy đánh trứng, cụ Giảng mới đưa cà phê trứng vào bán cho khách. Chẳng bao lâu, món cà phê độc lạ của cụ Giảng nổi danh khắp thành phố.

Cụ Giảng dạy nghề cho các con nhưng cùng công thức đó, hương vị cà phê của mỗi người lại có chút ít khác nhau.

Năm 1987, bà Bích bàn với ông Khoa mở một quán cà phê ở căn phòng mà hai vợ chồng sinh sống. "Mọi sinh hoạt của hai vợ chồng, ba đứa con và việc buôn bán đều diễn ra ở căn phòng 25m2”, ông Khoa kể.

Ban đầu, khách của quán chủ yếu là người về hưu, tầng lớp tri thức nghèo, tới đọc báo, nhâm nhi ly cà phê giá rẻ và thực khách đặt tên quán là "Cà phê nghèo". 

Những năm 1990-1992, quán trở thành điểm tụ họp của sinh viên Hà Nội, tới mức họ truyền tai nhau "phi cà phê Bích, bất thành sinh viên". Không chỉ có cà phê ngon, giá rẻ, quán còn là một trong những nơi hiếm hoi chuyên mở nhạc rock - dòng nhạc mà bà Bích yêu thích. 

Lúc này, quán được khách gọi là "Cà phê sinh viên" hay "Cà phê u Bích". 

Bà Bích nổi tiếng chiều khách, lúc nào cũng niềm nở. Sinh viên nào có tâm tư, bà sẵn lòng nghe họ trải lòng. Sinh viên nào thiếu tiền, bà vui vẻ cho nợ. Cứ vậy, khách càng lúc càng đông.

"Hằng ngày, ngoài giờ đi làm tôi lại về phụ vợ bán cà phê. Với kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở Bộ Nông nghiệp, tôi lo việc nhập nguyên liệu rồi rang, xay cà phê. Tôi rang cà phê bằng bếp dầu, ngay trên tầng tượng của ngôi nhà này. Công việc đòi hỏi sự tập trung, sức khỏe để đảm bảo hạt cà phê chín đều, giữ tròn vị thơm ngon”, ông Khoa nói.

Kinh doanh thuận lợi, ông bà có tiền nuôi các con ăn học, mua thêm mảnh đất ở Huỳnh Thúc Kháng để chuyển về sinh sống, dành trọn vẹn căn phòng Đinh Tiên Hoàng làm quán cà phê.

Năm 2012, khi bà Bích qua đời, ông Khoa có gặp các con và hỏi: "Các con có muốn giữ quán lại hay không?”. Ba người con đều đồng lòng cùng bố giữ lại quán, vì đây là tâm huyết cả đời của bố mẹ.

Đây cũng là thời điểm, quán xuất hiện nhiều hơn trên các kênh phương tiện truyền thông đại chúng, thu hút khách du lịch, ông Khoa đã quyết định đổi tên quán thành cà phê Đinh - gắn liền với tên con phố Đinh Tiên Hoàng đẹp và lâu đời ở Hà Nội.

Khoảng 10 năm trở lại đây, món cà phê trứng của gia đình cụ Giảng gây sốt trên truyền thông quốc tế. Cùng với quán cà phê Giảng ở Nguyễn Hữu Huân, cà phê Giảng ở Yên Phụ, cà phê Đinh cũng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi tới Hà Nội. 

Ông Khoa và các con giữ nguyên cách thức rang, xay cà phê thủ công và pha cà phê truyền thống như thời bà Bích còn sống. 

"Thông thường, mỗi mẻ cà phê 10-15kg cần rang trong 1-1,5 tiếng. Hiện nay, nhà tôi có máy hỗ trợ nhưng vẫn phải dựa rất nhiều vào kinh nghiệm của người rang mới cho ra mẻ cà phê chất lượng”, ông Khoa nói.

Cà phê của quán pha bằng phin - những chiếc phin được đặt làm riêng, có tuổi đời vài ba chục năm. 

Mỗi phin chứa được 300 gram cà phê nguyên chất. Nhân viên sẽ đổ từng lượt nước, ở nhiệt độ 95-98 độ C, vừa đủ để thấm ướt cà phê. Nước cà phê đen sánh, nhỏ tí tách xuống bình thủy tinh, sau 3 tiếng, thu về 1,5 lít. Đây là nguyên liệu quan trọng để tạo ra món cà phê trứng trứ danh của quán. 

Lòng đỏ và một lượng lòng trắng vừa đủ được đánh bằng máy cho tới khi bông xốp, vàng óng, khử hoàn toàn mùi tanh. "Trứng sau khi đánh bông phải phục vụ luôn, để lâu sẽ bị tanh, vữa”, ông Khoa cho hay.

Khi khách gọi, chủ quán khéo léo rót cà phê nóng vào tách kem trứng bồng bềnh để hương và vị của trứng, cà phê hòa quyện với nhau. 

Trong cốc luôn đặt thêm một chiếc thìa con để thực khách thưởng thức bọt kem bên trên giống như "món khai vị", trước khi uống cà phê bên dưới. Vị ngọt, béo của trứng gà, kết hợp với một ít đường làm dịu đi vị đắng của cà phê.  

Cách pha cà phê độc đáo của quán trở thành chất liệu cho nhiều kênh truyền hình, báo chí trong và ngoài nước khai thác. Rất đông thực khách quốc tế đổ tới 13 Đinh Tiên Hoàng sau khi quán xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế “Street Food Aroud The World” (tạm dịch: Ẩm thực đường phố thế giới) của National Geographic. 

"Bước vào đây như lạc về quá khứ, khác hoàn toàn với Hà Nội sôi động, hiện đại bên ngoài. Năm ngoái, tôi đã tới cà phê Đinh và tôi lập tức say mê hương vị cà phê trứng, không gian yên bình ở đây. Trong chuyến trở lại này, cà phê Đinh là điểm đến tôi không thể bỏ qua”, anh Daniel, du khách tới từ Iceland chia sẻ.

Anh nhâm nhi cốc cà phê trứng ấm nóng, nhìn ngắm mọi thứ tại đây rồi tỉ mỉ ghi lại trong cuốn sổ nhỏ. Daniel muốn ghi nhớ và chia sẻ điểm đến tuyệt vời này tới bạn bè.

Chị Lan, một người có 15 năm kinh nghiệm trong nghề du lịch cho biết, du khách quốc tế đến với cà phê Đinh không chỉ vì yêu thích cà phê, không gian kiến trúc mà còn say mê câu chuyện về truyền thống làm nghề của gia đình này. 

"Nhiều thực khách hay nói, cà phê Đinh nằm ở khu đất vàng, đất kim cương của thành phố. Nhưng thật lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc bán ngôi nhà này, căn phòng này cho một ai khác.

Bởi đây là nơi lưu giữ ký ức của mấy thế hệ trong gia đình tôi, nơi có quán cà phê mà vợ tôi dành cả đời chăm chút. 

Cà phê Đinh bây giờ không phải nơi gia đình tôi kinh doanh thuần túy mà hơn cả, nó là nơi để đón thực khách tới tìm kiếm kỷ niệm hay tìm hiểu văn hóa Hà Nội xưa và nay”, ông Khoa tâm sự.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn