Nhảy đến nội dung

Qua tuổi 65, đi ngủ nhất định phải đặt 3 thứ này ở đầu giường: Có thể cứu nguy vào những thời điểm quan trọng

Theo các bác sĩ cấp cứu, có ba vật dụng quan trọng nên được đặt sẵn ở đầu giường người cao tuổi.

Trong xã hội hiện đại, số lượng người cao tuổi sống một mình ngày càng gia tăng. Vì công việc và cuộc sống bận rộn, con cháu không thể lúc nào cũng ở bên cạnh cha mẹ già. Điều này khiến người cao tuổi, đặc biệt là những người sống độc thân, dễ rơi vào tình huống nguy hiểm khi đột ngột gặp vấn đề sức khỏe hoặc tai nạn trong nhà mà không ai phát hiện hay giúp đỡ kịp thời.

Theo các bác sĩ cấp cứu, có ba vật dụng quan trọng nên được đặt sẵn ở đầu giường người cao tuổi. Dù nhỏ bé, nhưng trong tình huống khẩn cấp, chúng có thể trở thành “cứu tinh”.

1. Thiết bị gọi cứu hộ khẩn cấp

Khi tuổi tác tăng cao, cơ thể suy yếu, nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng xảy ra đột ngột như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc té ngã là rất cao. Đã có không ít trường hợp người già phát bệnh tại nhà nhưng không thể tự gọi cứu viện, dẫn đến bỏ lỡ “thời điểm vàng” để điều trị.

Các thiết bị gọi cấp cứu khẩn cấp như vòng tay thông minh, nút bấm cảnh báo, số điện thoại khẩn cấp… chính là giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ tính mạng cho người cao tuổi. Những thiết bị hiện đại còn có thể giám sát nhịp tim, huyết áp, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo tự động khi phát hiện bất thường và gửi thông tin đến điện thoại của con cháu hoặc trung tâm cấp cứu.

Trường hợp của bà Vương, một cụ bà sống một mình mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch, là ví dụ điển hình. Một đêm nọ, bà đột nhiên đau thắt ngực và khó thở. Chiếc vòng tay thông minh bà đang đeo đã phát hiện sự gia tăng bất thường về nhịp tim và huyết áp, lập tức gửi cảnh báo đến điện thoại của các con bà và trung tâm y tế. Nhờ được thông báo sớm, nhân viên cấp cứu đã chuẩn bị trước các phương án điều trị, đến nơi kịp thời và cứu sống bà.

Đối với người cao tuổi sống đơn độc, những vật phẩm tương tự chính là “người bảo hộ thầm lặng”. Tuy nhiên, gia đình cần lưu ý chọn loại thiết bị dễ sử dụng, bền bỉ, chức năng rõ ràng, đồng thời thường xuyên kiểm tra pin và hướng dẫn người lớn tuổi cách sử dụng thành thạo.

2. Các loại thuốc cần thiết

Nhiều người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… nên cần duy trì việc uống thuốc đều đặn. Việc chuẩn bị sẵn các loại thuốc thông dụng ở đầu giường kèm theo danh sách chi tiết không chỉ giúp người bệnh tự ứng phó trong tình huống khẩn cấp mà còn hỗ trợ rất lớn cho bác sĩ và nhân viên y tế khi can thiệp.

Ví dụ, người bị cao huyết áp cần có sẵn máy đo huyết áp và thuốc hạ áp; người bị tiểu đường nên để sẵn thuốc hạ đường huyết và máy đo đường huyết; với người có tiền sử tim mạch, nên có thuốc nitroglycerin hoặc các loại thuốc hỗ trợ tim cấp tốc.

Ông Lý, một cụ ông bị bệnh mạch vành, từng cảm thấy tức ngực và đau thắt ngực đột ngột khi ngủ dậy. May nhờ có thuốc đặt tại đầu giường ở vị trí dễ lấy, ông đã nhanh chóng lấy thuốc ra ngậm, sau khi tình hình thuyên giảm mới có sức lực để gọi con cháu. Sau đó, các y bác sĩ cũng dễ dàng nắm bắt được tình trạng bệnh và loại thuốc đang sử dụng, từ đó triển khai biện pháp điều trị hiệu quả, giúp ông vượt qua cơn nguy kịch.

Ngoài ra, đối với người già có trí nhớ kém, gia đình nên chia thuốc theo từng buổi vào các khay riêng biệt, đánh dấu rõ ràng thời gian uống để tránh uống sai liều hoặc quên uống. Định kỳ kiểm tra hạn sử dụng của thuốc cũng là điều không thể bỏ qua.

3. Giấy tờ tùy thân và thông tin liên lạc

Khi xảy ra sự cố, việc có sẵn giấy tờ tùy thân và danh sách liên lạc sẽ giúp quá trình cấp cứu và các thủ tục liên quan diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn. Những giấy tờ quan trọng bao gồm: chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, thẻ ngân hàng…

Trong trường hợp cấp cứu, thẻ bảo hiểm y tế giúp người già được hỗ trợ chi phí điều trị, giảm gánh nặng kinh tế. Sổ khám bệnh giúp bác sĩ hiểu rõ tiền sử bệnh, dị ứng thuốc và quá trình điều trị trước đó, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp. Thẻ ngân hàng có thể cần thiết để thanh toán chi phí điều trị trong những tình huống không có người thân kịp thời có mặt.

Ông Trương từng được cứu nguy nhờ “bí quyết” này. Một lần ông bị ngã gãy chân trong nhà, hàng xóm phát hiện và gọi cấp cứu. Khi đội y tế đến nơi, họ đã tìm thấy túi hồ sơ bên giường gồm đầy đủ căn cước, thẻ BHYT và bệnh án. Nhờ đó, quá trình điều trị diễn ra suôn sẻ, hạn chế biến chứng. Đồng thời, thông tin liên lạc được ghi sẵn giúp bác sĩ liên hệ ngay với người thân để hỗ trợ về sau.

Ba vật dụng đặt ở đầu giường trên tuy đơn giản nhưng lại là “hàng rào an toàn” quan trọng giúp người lớn tuổi đối phó hiệu quả với những rủi ro không thể lường trước. Vì thế, bản thân họ và người thân trong gia đình cần định kỳ kiểm tra các giấy tờ trong túi hồ sơ, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác. Ngoài ra, có thể chụp lại và lưu trữ trên điện thoại hoặc đám mây để phòng trường hợp thất lạc.

(*Theo Aboluowang)