Nhảy đến nội dung

PTIT đẩy mạnh đào tạo nhân sự ngành Fintech trong kỷ nguyên số

Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ toàn cầu, Fintech (công nghệ tài chính) trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh và nhu cầu nhân lực cao.

Tại Việt Nam, nhiều công ty công nghệ tài chính, ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống đầu tư mạnh đổi mới sáng tạo, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain vào sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp này cần lượng lớn nhân sự được đào tạo bài bản về Fintech.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này còn hạn chế, nhất là khi phần lớn trường đại học đào tạo Fintech thuộc khối kinh tế.

Nắm bắt xu hướng ấy, PTIT chú trọng đào tạo ngành Fintech ở bậc đại học, thiết kế nội dung giảng dạy theo hướng hiện đại, kết hợp kiến thức tài chính - ngân hàng cùng học phần CNTT chuyên sâu như: lập trình ứng dụng tài chính, AI trong tài chính, công nghệ chuỗi khối, phân tích dữ liệu tài chính quy mô lớn.

"Tỷ trọng các môn CNTT chiếm phần lớn nội dung học, giúp sinh viên vừa hiểu sâu tài chính, vừa làm chủ công nghệ", đại diện trường cho hay.

PGS.TS Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc bậc cao học Fintech thuộc Đại học Corvinus Budapest, Hungary, đánh giá: "Tôi ấn tượng với cách PTIT xây dựng chương trình cử nhân Fintech, chi tiết và tiên tiến, dẫn đầu đào tạo đại học hiện nay".

Đồng quan điểm trên, GS.TS John Anchor, Phó Viện trưởng Viện kinh doanh thuộc Đại học Huddersfield (Anh), cũng đề cao vai trò công nghệ trong giảng dạy Fintech tại PTIT. "Chúng tôi muốn vận hành dịch vụ tài chính ở lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... hoàn toàn trên nền tảng số, có thể mở rộng phạm vi tiếp cận tới hàng triệu người dùng", ông nói.

Từ góc độ chuyên môn trong nước, TS Nguyễn Duy Phương, Trưởng khoa CNTT thuộc PTIT, chỉ ra giáo trình, nội dung học được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia giỏi ở mảng tài chính, công nghệ. "Chúng tôi tin với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đội ngũ giảng viên chất lượng, sinh viên Fintech sẽ tự tin khi bước vào thị trường lao động, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành tài chính nước nhà".

Những năm gần đây, ngành Fintech ở PTIT thu hút sự quan tâm của học sinh lẫn phụ huynh, luôn nằm trong nhóm ngành có điểm đầu vào cao. Cụ thể, điểm chuẩn hệ chính quy theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT hồi 2022 là 25,2 điểm, 2023 tăng lên 25,35 điểm, năm ngoái 25,61 điểm (theo thang điểm 30).

Năm 2025, trường dự kiến tuyển 150 chỉ tiêu, xét đa phương thức gồm: điểm thi tốt nghiệp THPT; học bạ THPT; kết hợp các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố. Tổ hợp xét tuyển chính gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh). Học phí dao động 20-25 triệu đồng mỗi năm (theo khung trường công lập).

Thiên Hà

Xem chi tiết thông tin tuyển sinh 2025 ngành Fintech, Kế toán, chương trình CLC kế toán chuẩn quốc tế ACCA tại đây.
Hotline tuyển sinh: 024 3356 0366
Facebook: Fintech - PTIT
Zalo: 0943 836 486 (khoa TCKT1)