Nhảy đến nội dung
 

Pin thải từ 400.000 xe điện ở TP.HCM sau chuyển đổi được xử lý ra sao?

TP.HCM đặt mục tiêu chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện từ 2026. Vậy pin thải sẽ xử lý ra sao?

Chiều 24.7, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thông tin chi tiết về các giải pháp xử lý pin thải từ 400.000 xe điện sau khi TP.HCM triển khai đề án chuyển đổi xe xăng từ năm 2026.

Tái chế pin xe điện là giải pháp

Theo ông Hải, lượng pin thải sau chuyển đổi sẽ rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường nên cần có giải pháp kiểm soát và xử lý hiệu quả.

Hiện nay Việt Nam đã có nhà máy sản xuất pin xe điện đặt tại Hà Tĩnh, với quy mô đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng và đã ký kết hợp tác với Li-Cycle ( doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tái chế pin). Việc ký kết này bao gồm các giải pháp cung ứng và tái chế pin, đồng thời mở ra khả năng đầu tư hệ thống tái chế tại Việt Nam trong tương lai, khi lượng pin bắt đầu hết vòng đời sử dụng.

Trong trường hợp không đầu tư tại chỗ, đối tác Li-Cycle có thể áp dụng công nghệ xử lý pin điện tại khu vực Đông Nam Á hoặc toàn cầu.

Ông Hải cho biết pin xe điện chứa nhiều kim loại quý như niken, coban, mangan... và việc thu hồi, tái chế những vật liệu này là vô cùng cần thiết.

Hiện nay, công nghệ tái chế pin đã phát triển mạnh, cho phép thu hồi đến 90 - 95% vật liệu trong pin, thu hút sự quan tâm đầu tư của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải pháp kéo dài tuổi thọ và "vòng đời thứ hai" của pin điện cũng đang được chú trọng, như sử dụng pin đã giảm hiệu suất vào các hệ thống dự trữ điện mặt trời, cung cấp điện cho nhà máy hoặc làm vật liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, một hướng đi công nghệ đang chứng minh hiệu quả.

Đối với đề án chuyển đổi 400.000 tài xế công nghệ sang xe điện, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất xây dựng trung tâm tái chế pin với công suất khoảng 3.000 tấn/năm, có khả năng thu hồi đến 95% kim loại quý.

Nếu nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn, TP.HCM sẽ có cơ chế hỗ trợ như cho vay ưu đãi hoặc sử dụng quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ. Theo quy định của luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1.1.2024, các đơn vị sản xuất pin phải đóng phí tái chế.

Tuy nhiên, nếu có nhà máy tái chế, doanh nghiệp có thể được nợ lại khoản phí này, đồng thời chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý pin sau sử dụng. Ngược lại, các đơn vị không tự sản xuất sẽ phải đóng phí môi trường để nhà nước dùng nguồn này hỗ trợ cho các cơ sở tái chế đạt chuẩn.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM kỳ vọng trong 10 năm tới sẽ hình thành được hệ thống nhà máy tái chế hiện đại, góp phần giảm thiểu rủi ro ô nhiễm và phát triển môi trường xanh.

Đồng thời, đề xuất Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM phối hợp Sở Công thương TP.HCM sớm xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc thu gom, xử lý pin cũ, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ngay từ đầu để đảm bảo quy trình minh bạch, rõ ràng và giám sát chặt chẽ.

Về lộ trình thực hiện đề án, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn tất chuyển đổi 80% trong số 400.000 tài xế công nghệ sang xe điện trong giai đoạn 2026 - 2027, tương đương khoảng 320.000 người. Đến năm 2028, thành phố tiếp tục hỗ trợ chính sách miễn giảm thuế VAT, phí đăng ký trước bạ và ưu đãi vay vốn để hoàn thành 20% còn lại.

Năm 2029, TP.HCM sẽ kiến nghị cấm hoàn toàn xe xăng 2 bánh hoạt động dịch vụ vận tải và chuyển sang xe điện nhằm giảm phát thải, hướng đến đô thị xanh, sạch, thông minh.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn