Phụ huynh 'sập bẫy', mất 50 triệu vì fanpage ‘học kỳ quân đội’ giả mạo

Lợi dụng AI, tài khoản tích xanh và chiêu trò tinh vi, nhiều fanpage học kỳ quân đội giả đang khiến phụ huynh 'sập bẫy' chỉ sau vài tin nhắn tư vấn.
Thời điểm hè đến gần là lúc nhu cầu tìm kiếm phụ huynh về các trại hè tăng mạnh, đặc biệt là những chương trình rèn luyện tính kỷ luật như “học kỳ quân đội”. Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra hàng loạt fanpage và nhóm cộng đồng giả mạo trên mạng xã hội.
Mất 50 triệu vì fanpage có gắn tích xanh
Với mong muốn con gái có một mùa hè ý nghĩa và được trải nghiệm môi trường rèn luyện kỷ luật, chị V. (Hà Nội) đã đăng ký cho con tham gia chương trình “học kỳ quân đội” được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội. Theo chị V., các fanpage giới thiệu “học kỳ quân đội” của họ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh & Trung tâm hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam kết hợp với nhà tài trợ Vua hàng hiệu đồng tổ chức, chương trình sẽ được ghi hình và phát sóng trên Đài Truyền hình Quốc gia VTV, với địa điểm học tập tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, Sơn Tây.
Trang fanpage giới thiệu chương trình có hơn 55.000 người theo dõi và được gắn dấu tích xanh (xác thực tài khoản chính chủ của Facebook), chính điều này khiến chị V. hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, số tiền 50 triệu đồng chị chuyển khoản để đăng ký cho con tham gia đã "bốc hơi" không dấu vết.
Những trang giả mạo này được đặt tên gắn liền với các đơn vị quân đội hoặc công an, đồng thời được đầu tư bài bản về nội dung, hình ảnh, thậm chí sử dụng video từ các chương trình quân đội thật trước đây để tăng độ tin cậy.
Fanpage không chỉ có tích xanh, mà cả nhân viên tư vấn cũng dùng tài khoản tích xanh. Hình ảnh, ngôn từ, đồng phục đều được thiết kế giống hệt như môi trường quân đội thật. Chị thậm chí còn hỏi người quen trong ngành để xác minh địa chỉ và nhận được phản hồi rằng địa điểm này hoàn toàn có thật, nên càng thêm yên tâm.
Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản đến số tiền 50 triệu đồng để làm nhiệm vụ nhằm tăng tương tác cho đơn vị tài trợ, ngay lập tức chị bị chặn liên lạc. Bởi tài khoản nhận tiền được ghi có tên “Vua hàng hiệu”, một thương hiệu thời trang nổi tiếng, nơi chị từng mua hàng trực tuyến trước đó khiến chị càng mất cảnh giác.
Để kiểm chứng thêm, phóng viên trong vai người có nhu cầu cho con tham gia “học kỳ quân đội”, sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để tiếp cận chương trình sau khi đổi tên thành “Trải nghiệm học kỳ quân đội 2025”. Điều đáng chú ý là dù thay tên, nhưng nội dung và cách tư vấn của những người xưng là “chuyên viên” vẫn y hệt như trước với chị V.
Khi phụ huynh cung cấp địa chỉ cư trú, trang web sẽ giới thiệu đơn vị quân đội gần đó. Ví dụ, nếu địa chỉ ở Hòa Bình thì được hướng dẫn học tại Bộ Chỉ huy quân sự Hòa Bình; còn ở Thanh Xuân (Hà Nội) thì được giới thiệu Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Sơn Tây).
Đáng nói, khi phụ huynh đồng ý cho con tham gia, “chuyên viên tư vấn” lập tức hướng dẫn điền thông tin vào một đường link đăng ký để hoàn tất thủ tục. Ngay sau khi hoàn tất đăng ký, phụ huynh được dụ dỗ tham gia mua hàng tương tác cho các “nhà tài trợ”, với lý do rằng số tiền này chỉ nhằm hỗ trợ quảng bá thương hiệu và sẽ được ban tổ chức hoàn lại sau.
Toàn bộ quá trình trao đổi đều qua điện thoại, không để lại bất kỳ tin nhắn nào và phản hồi rất nhanh khi được hỏi.
Theo ông Trần Quang Linh, chuyên gia an toàn thông tin của dự án Chongluadao.vn, một trong những thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo là chạy quảng cáo nhắm đúng đối tượng, thường là phụ huynh có con trong độ tuổi học sinh. Các mẫu quảng cáo hiện lên liên tục, kèm lời kêu gọi khẩn cấp như “giảm học phí 50% cho 30 suất đầu tiên” hoặc “ưu đãi hôm nay duy nhất”, tạo áp lực khiến phụ huynh dễ ra quyết định vội vàng. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn cung cấp lịch trình, hình ảnh chi tiết được sao chép từ các chương trình thật; làm giả giấy tờ, hợp đồng, giấy xác nhận tham gia. Những nội dung này được dàn dựng kỹ lưỡng đến mức khó có thể nghi ngờ.
“Gần đây, các đối tượng còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo video giả mạo, thậm chí dựng lại hình ảnh lãnh đạo quân đội khiến người xem tưởng thật. Có trường hợp, chúng còn dùng công nghệ giả giọng (voice cloning) để tạo ra “cảm nhận học viên” với giọng nói sinh động như người thật, nhưng thực chất chỉ là sản phẩm do máy móc tạo ra”, ông Linh chia sẻ.
Sự tỉnh táo của người dân là điều quan trọng nhất
Phân tích về vấn đề này, thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết việc giả danh chương trình “học kỳ quân đội” không chỉ là lừa đảo tài chính, mà còn lợi dụng lòng tin và mong muốn chính đáng của phụ huynh để biến thành cái bẫy nguy hiểm trên không gian mạng.
Ông cảnh báo, người dân cần tuyệt đối cảnh giác, không dễ dàng giao phó niềm tin cho những chương trình trực tuyến nếu không có xác minh rõ ràng. Bất cứ chương trình nào mang yếu tố “quân đội”, “học kỳ nghiêm kỷ”, “do sĩ quan trực tiếp huấn luyện” đều phải có cơ sở pháp lý rõ ràng và đơn vị đứng tên tổ chức minh bạch.
Sĩ quan thật không bao giờ yêu cầu chuyển khoản cá nhân, không hợp đồng, không hóa đơn, không giấy mời hợp pháp. Chỉ cần xuất hiện yêu cầu như vậy, đó là dấu hiệu lừa đảo và cần dừng lại ngay lập tức.
Trước khi đăng ký bất kỳ chương trình nào, người dân nên trao đổi với nhà trường, chính quyền hoặc công an địa phương để xác minh thông tin.
“Việc tham khảo ý kiến người thật, việc thật là hàng rào bảo vệ quan trọng trong thời đại tin giả được dựng nên bằng công nghệ thật. Càng bình tĩnh, càng tham khảo kỹ, khả năng rơi vào bẫy càng thấp”, thiếu tá Thanh nhấn mạnh.
Theo thiếu tá Phí Văn Thanh, sự tỉnh táo của người dân là điều quan trọng nhất để bảo vệ tài sản của mình. Ngoài ra, để ngăn chặn lừa đảo online hiệu quả, trách nhiệm không chỉ của riêng các lực lượng chuyên trách mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, chủ động từ từng người dân và sự chung tay của cả cộng đồng.