Nhảy đến nội dung
 

Phòng cháy trong nhà: 5 'điểm mù' nhiều người mắc phải mà không hề hay biết

Lối đi bị chắn, dây điện lộn xộn, khung sắt khóa kín… là 5 'điểm mù' phòng cháy nhiều người chủ quan. Cẩn thận kẻo rước họa vào nhà.

Vụ cháy cư xá Độc Lập khiến 8 người tử vong vừa qua là lời nhắc nhở đau lòng. Phòng cháy trong nhà ở không chỉ là chuyện thiết bị báo cháy mà bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Có những thứ ta sống chung mỗi ngày nhưng chưa từng nghĩ đó là mối nguy. Cầu thang ta bước lên bước xuống quen thuộc. Lối đi ta bày đồ đạc cho tiện tay. Khung sắt lắp kín mít vì… sợ trộm. Dây cáp, dây điện lùng nhùng trước nhà lâu chẳng ai quan tâm... Nhưng khi lửa nổi lên, khói trùm kín, điện cúp, thời gian tính bằng giây thì những chi tiết tưởng nhỏ đó sẽ là ranh giới sinh tử.

Hãy cùng Th.S-KTS Nguyễn Văn Châu, giám đốc Công ty Tỷ Lệ Vàng tìm hiểu 5 lỗi phổ biến và cách đảm bảo an toàn tối đa cho tổ ấm của bạn.

1. Lối đi: Phải thông thoáng! 

Để đồ đạc tùm lum trên lối đi trong nhà, khi xảy ra hỏa hoạn sẽ cản trở rất nhiều đến việc thoát thân. Vì vậy, giao thông trong nhà phải luôn thông thoáng và không bị vướng vật dụng. Cần dự tính luôn chiều rộng lối đi, đặc biệt là các khoảng lọt lòng, các đoạn cua. Hãy tưởng tượng khi tình huống khẩn xảy ra thì chiều rộng lối đi đó người và đồ cần thiết có thể di chuyển dễ dàng không? Liệu xe lăn có thể đi qua không? Băng ca có xoay được ở khúc cua đó không?...

2. Cầu thang: Nên có chiếu nghỉ!

Cầu thang là tuyến giao thông đứng quan trọng nhất trong nhà. Trong nhiều căn nhà phố, vì muốn tiết kiệm diện tích giao thông, thang thường bị chia nhỏ bậc ở vị trí chiếu nghỉ. Trong trường hợp nguy cấp cần tháo chạy, người sử dụng dễ bị bước hụt hoặc trượt chân do bề rộng bậc (phía gần tay nắm) quá nhỏ. Chưa kể, chiếu nghỉ còn là nơi dừng để định hướng, để tập kết đồ (nếu có chuyển đi), để thở và ổn định nhịp tim (đối với người cao tuổi). Vì thế, thang lên mỗi lầu nên bố trí tối thiểu 1 chiếu nghỉ và không nên chia bậc tại chiếu nghỉ.

Đối với nhà đã có cầu thang chia bậc tại vị trí chiếu nghỉ nên làm lan can cao trên 90 cm (nhất là đoạn có giếng trời) để an toàn hơn.

3. Khung bảo vệ: Chống trộm hay tự nhốt mình?

Hầu hết chủ đầu tư đều có suy nghĩ về chống trộm và tìm các phương án ngăn ngừa khắp nhà từ cửa đi (cửa chính, cửa ra ban công, sân thượng...) đến cửa sổ (khoảng cách các ô trong khung bảo vệ không quá lớn để trộm chui vào; không đủ rộng để cánh tay trộm không lòn vào...). Nhưng bạn có biết, trong nhiều vụ cháy, chính khung bảo vệ lại là "rào chắn tử thần". Vì thế, cần lưu ý những điều sau: Khung bảo vệ nên thiết kế để có thể mở được, đây là yếu tố sống còn khi gặp sự cố. Nếu có khoá, vị trí mở phải dễ thao tác trong tình huống cấp bách, và phải được kiểm tra thường xuyên tránh ổ khóa bị gỉ sét không mở được.

Đối với những nhà dùng lam đứng - ngang trang trí cho mặt ngoài ban công, cần bố trí các khoảng trống, hở để 1 người có thể chui ra khi gặp sự cố.

4. Ban công, sân thượng: Có lối thoát hiểm dự phòng chưa?

Ban công, sân thượng nên bố trí thêm cuộn thang cuốn thoát hiểm. Thang này phải liên kết chặt vào tường hoặc các vị trí chắc chắn. Chiều dài thang khi thả xuống cách mặt đất tối đa 1 m là tốt. Khi thả ra, thang không được đi ngang các vị trí nguy hiểm: có vật nhọn trang trí đưa ra, đầu chông hàng rào...

5. Dây điện, dây cáp: Rủi ro tiềm ẩn!

Bạn đã bao giờ nhìn lên cột điện trước nhà mình chưa? Cả chục loại dây được cuộn lại nối từ trụ điện vào nhà tạo thành 1 "nùi", trong đó nhiều dây đã hư, đứt lõi, hoặc không sử dụng. Đây là "mồi" lửa khi có sự cố và cũng là nơi ẩn chứa nguy cơ cháy nổ do chập điện nhất là mùa mưa bão. Vì thế, chủ nhà nên chủ động (hoặc nhờ đại diện khu phố) liên hệ các đơn vị liên quan cho nhân viên đến làm gọn hoặc cắt bỏ hết những dây không còn sử dụng.

Chủ động kiểm tra và khắc phục những "điểm mù" này là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn phòng cháy trong nhà ở của bạn. Đừng để những chi tiết nhỏ trở thành hiểm họa lớn!


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn