Phó Thủ tướng: Nếu không có quy chuẩn thì rất khó quản lý sữa giả, thuốc giả

Quốc hội sáng nay thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định về công bố hợp quy.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho biết không có quốc gia nào quy định người sản xuất kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm trước khi sản xuất, đưa hàng hóa ra thị trường như Việt Nam. Ông cho rằng đây là khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh và gánh nặng cho người tiêu dùng.
Đại biểu cũng nêu, các đối tác quốc tế sẽ lấy làm căn cứ phản ánh Việt Nam đang tạo ra rào cản phi thuế quan, không có cơ sở để cản trở thương mại.
Các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy và các yêu cầu, điều kiện tiền kiểm mà lơ là hậu kiểm. Còn người tiêu dùng lại bị đánh lừa bởi các chiêu bài quảng cáo là chất lượng và an toàn sản phẩm đã được công nhận bởi bộ, ngành. Bài học của vụ sữa giả kém chất lượng vừa qua là điển hình của việc lơ là trong hậu kiểm.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhận định quy định về công bố hợp quy là thủ tục mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết.
Việc buộc doanh nghiệp phải lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra lấy mẫu và đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận thì vô lý và lãng phí. Đại biểu phân tích, hiện nay chỉ tập trung vào kiểm soát hoạt động đơn lẻ thông qua một mẫu mà doanh nghiệp mang đi kiểm nghiệm. Dẫn đến doanh nghiệp có thể đối phó bằng cách, làm mẫu tốt để mang đi kiểm nghiệm nhưng sản xuất đại trà lại không tốt.
"Đây là kẽ hở để cho một bộ phận doanh nghiệp gian dối, đưa ra thị trường hàng hóa dưới chuẩn công bố và hàng giả như vụ việc 600 nhãn sữa giả vừa rồi", nữ đại biểu dẫn chứng.
Tại Mỹ, sản phẩm chỉ cần tuân thủ quy định của FDA, còn tại Châu Âu chỉ cần đạt chứng nhận CE là hàng hóa được tự do lưu thông mà không cần xin phép lại. Họ đặt niềm tin vào năng lực của doanh nghiệp, siết chặt hậu kiểm thay vì rào cản thủ tục tiền kiểm.
Bà cũng cho rằng quy định này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi và làm giảm sức cạnh tranh. Để hoàn tất một thủ tục công bố hợp quy cho một sản phẩm, doanh nghiệp phải chi trả trung bình 3-5 triệu đồng, có trường hợp lên tới 15-30 triệu đồng. Thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm một lần, tạo ra một chu kỳ lãng phí liên tục. Một nhà máy có 300-500 sản phẩm thì chi phí có thể lên tới 1,5-2 tỷ đồng.
"Tại sao chúng ta lại duy trì một thủ tục gây lãng phí quy mô lớn và vô hình chung trở thành giấy phép con trá hình, trái ngược hoàn toàn với tinh thần cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi", đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng quy định này không tương thích với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong khi, để thực hiện công bố hợp quy, doanh nghiệp phải tốn kém chi phí kiểm nghiệm mẫu, rồi phải chờ đợi được đăng ký, tiếp nhận bản công bố.
“Những gánh nặng này trực tiếp gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi thế cạnh tranh của các hàng hóa Việt Nam, hàng hóa mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam” và làm lỡ mất nhiều cơ hội của các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Bé nói.
Trước ý kiến nhiều đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng lý giải đây là một công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông thị trường. Nếu không có tiêu chuẩn để quản lý, giám sát sẽ ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của người dân, của cộng đồng, môi trường.
“Những vấn đề đó các nước đều có, bắt buộc chúng ta cũng phải có. Vấn đề ở đây là quản lý loại nào, đến đâu và bằng cách nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường”, ông Dũng nói.
Dù vậy, vẫn phải tạo thuận lợi hóa cho hoạt động doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam thay vì làm chậm, gây cản trở, tạo rào cản, làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp.
“Cách đây khoảng 30 năm có vụ phoóc môn trong bánh phở, lúc đó chúng ta rất lúng túng, không có quy định nên mỗi nơi làm, quản lý một kiểu. Ở Hà Nội đi đóng dấu từng rổ bánh phở một, nhưng ở TPHCM lại ra tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi kiểm tra hậu kiểm”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Ông cũng nhắc tới vụ việc gần đây liên quan sữa giả, thuốc, thực phẩm chức năng giả và kém chất lượng, nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì rất khó quản lý chất lượng khi đưa ra thị trường.
Vì thế, Phó Thủ tướng đồng ý quan điểm của đại biểu Quốc hội cho rằng cần phân loại, loại nào có rủi ro cao bắt buộc phải tiền kiểm, phải có quy định và thực hiện ngay trước khi ra thị trường, còn lại có thể hậu kiểm.
“Nếu bãi bỏ thật sự rất khó cho công tác quản lý Nhà nước”, Phó Thủ tướng cho biết sẽ rà soát lại quy định này theo hướng vừa quản lý, vừa kiến tạo để phát triển.