Phố ‘nhà giàu’ Thảo Điền lại ngập lênh láng sau cơn mưa trái mùa chiều nay

Khoảng 17 giờ 30, cơn mưa lớn bắt đầu xuất hiện ở TP.Thủ Đức và ngày sau đó lan ra nhiều khu vực như: Q.1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận… làm một số con đường bị ngập nước. Cơn mưa này xuất hiện đúng vào giờ tan tầm và kéo dài hơn 30 phút đã ảnh hưởng nhiều đến tình trạng giao thông ở nhiều khu vực.
Trong đó, một số con đường ở P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức) bị ngập sâu. Cụ thể đường Quốc Hương, Tống Hữu Định… bị ngập kéo dài. Tại đường Quốc Hương, khoảng 17 giờ 45, nước bắt đầu dâng cao khi mưa lớn. Kéo theo đó là các con đường nhánh cũng bị ngập. Đoạn ngập dài khoảng 300 m, từ giao lộ Quốc Hương – Xuân Thủy đến đường Thái Lý.
Mực nước ở đây ngập lên đến bánh xe máy. Tuy nhiên, điểm ngập sâu và thường xuyên nhất ở đây vẫn là đoạn phía trước Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Thời điểm ngập vào giờ tan tầm nên lưu lượng người đi lại cũng khá đông.
Nhiều người đi xe máy qua đây cũng không tránh khỏi cảnh xe bị chết máy, phải đẩy bộ khó khăn. Các loại ô tô phải di chuyển chậm, nhiều tài xế phải đánh lái quay đầu để tránh điểm ngập. Phía vỉa hè, nhiều người không dám di chuyển, có người phải cho xe máy dừng lại, đứng lên chỗ cao để tránh nước ngập. Đến 19 giờ, dù nước đã rút bớt nhưng đoạn đường Quốc hương vẫn bị ngập.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mưa trái mùa vào chiều nay xuất hiện do rãnh áp thấp xích đạo có trục ở khoảng 3 - 7 độ vĩ bắc nâng trục lên phía bắc gần với Nam bộ. Gây mưa giông cho nhiều tỉnh thành, tại TP.HCM mây giông đang phát triển trên khu vực huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.
Ngoài ra, những vùng mây giông trên khu vực Long An đang di chuyển theo hướng tây về phía TP.HCM. Cảnh báo trong khoảng 3 giờ tới, mây giông tiếp tục phát triển, gây mưa rào, kèm theo giông, sét cho khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, sau mở rộng sang các khu vực lân cận khác như Tân Bình, Tân Phú, TP.Thủ Đức... lượng mưa phổ biến từ 5 - 10 mm, có nơi trên 15 mm. Trong cơn giông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh khoảng cấp 5 - 7 (8 - 17m/giây).
Mưa trái mùa còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành Nam bộ đặc biệt các địa phương như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Lượng mưa phổ biến từ 5 - 20 mm, có nơi trên 30 mm. Trong cơn giông đề phòng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh cấp 5-7 (8 - 21m/ giây).