Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng: '10 bác sĩ đột quỵ, 7 bác sĩ phải bỏ nghề'

Khoảng 70% các bệnh nhân đột quỵ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Nếu 10 bác sĩ đột quỵ thì 7 bác sĩ phải từ bỏ nghề y. Và đó mới là gánh nặng lớn.
Thông tin trên được Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, chia sẻ tại lễ đón nhận Chứng nhận vàng WSO trong điều trị đột quỵ của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hội thảo cập nhật điều trị đột quỵ cấp 2025 tổ chức chiều 10.5.
"Gánh nặng xấu nhất của đột quỵ là tàn phế"
"Đột quỵ là gánh nặng toàn cầu. Tại Việt Nam, đột quỵ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi thì tử vong không phải là xấu nhất, mà sự tàn phế mới là xấu nhất", Phó giáo sư Thắng bày tỏ quan điểm.
Theo bác sĩ Thắng, ngay cả tại Bệnh viện Nhân dân 115 cũng có 5 nhân viên y tế bị đột quỵ ngay trong bệnh viện. Điều này cho thấy đột quỵ gây ra gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội. Cũng chính vì gánh nặng mà đột quỵ gây ra nên Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) muốn lan rộng chuẩn điều trị đột quỵ đến các bệnh viện trên toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Á. Người làm ngành y sẽ làm những gì tốt nhất để người bệnh đột quỵ có thể quay lại cuộc sống bình thường nhất có thể.
"Điều trị tái thông được xem là điều trị duy nhất giúp bệnh nhân có thể quay lại cuộc sống bình thường. Các điều trị còn lại không có cái nào chứng minh được điều đó. Nếu không điều trị tái thông cho bệnh nhân thì phải chấp nhận may rủi", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
'Thấy yếu nhẹ, nghi ngờ đột quỵ nhưng vẫn mong chờ bệnh tự hết'
Bác sĩ chuyên khoa 1 Mai Thị Hương Lan, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, trong quý 3 và quý 4 năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận 179 ca đột quỵ, trong đó đột quỵ do nhồi máu não chiếm 80%. Thời gian từ khi khởi phát đến khi vào viện trung bình là 16 giờ. Đây là thời gian khá dài. Điều này cho thấy cộng đồng vẫn chưa nhận định nhanh và đúng đối với đột quỵ, khiến thời gian vào viện kéo dài.
"Khi được hỏi về lý do vì sao đến bệnh viện trễ, nhiều người cho biết thấy yếu nhẹ nhẹ, nghi ngờ đột quỵ nhưng vẫn mong chờ triệu chứng sẽ hết. Họ chờ 1 ngày, chờ 2 ngày vẫn không đến bệnh viện. Thậm chí ngay tại TP.HCM vẫn có những bệnh nhân chích máu đầu ngón tay, tìm các phương pháp dân gian để tìm kiếm hy vọng khỏi bệnh", bác sĩ Lan chia sẻ.
Bác sĩ Lan cho biết, theo khảo sát của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn có 5 nhóm lý do chính khiến bệnh nhân đến bệnh viện muộn. Trong đó 50% do thiếu nhận thức triệu chứng hoặc nghĩ triệu chứng nhẹ, nhầm lẫn với cảm cúm, tự điều trị bằng đánh gió, chích ngón tay, thuốc dân gian. Có 30% do tâm lý chủ quan chờ triệu chứng tự hết, tự xử lý tại nhà đến khi nặng mới nhập viện. Bên cạnh đó, 20% còn lại do các yếu tố xã hội như tuổi cao, bệnh nền, di chuyển không chuyên nghiệp, đi bằng xe cá nhân thay vì gọi cấp cứu 115, không hiểu rõ được tầm quan trọng của giờ vàng trong điều trị đột quỵ...
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết việc đạt Chứng nhận vàng của WSO đưa Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vào danh sách top 5% Đơn vị Đột quỵ toàn cầu và là một trong 17 đơn vị tại TP.HCM được sở y tế công nhận có quy trình điều trị đột quỵ đầy đủ và hoàn thiện.
"Mỗi năm, Khoa Nội thần kinh - Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận hơn 1.000 ca đột quỵ, điều trị thành công hàng trăm trường hợp nhờ quá trình điều trị đột quỵ toàn diện bao gồm lấy huyết khối cơ học, tiêu sợi huyết, hồi sức thần kinh, phẫu thuật thần kinh và phục hồi chức năng sau đột quỵ, với tỷ lệ hồi phục chức năng đạt 65%", bác sĩ Tuấn cho hay.