Nhảy đến nội dung
 

Phim truyền hình cần thêm 'cú bật'

Sau cơn sốt của 'Độc đạo', 'Đi giữa trời rực rỡ', phim tuyền hình chiếu giờ vàng trên VTV và cả trên các đài truyền hình khác đã "nguội" hơn, không có những đợt "viral" ồ ạt trên mạng xã hội như trước.

MỞ RỘNG NỘI DUNG, THAY ĐỔI GIỜ PHÁT SÓNG VẪN CHƯA "NÓNG SỐT"

Có thể thấy những phim truyền hình phát sóng gần đây nội dung đa dạng hơn, không tập trung vào drama gia đình, tình ái nữa mà là những câu chuyện đời thường, sâu sát thực tế. Ở đó có những mảnh đời nghèo khó, chật vật với cơm - áo - gạo - tiền chứ không còn là xe sang, tổng tài, biệt thự, tiểu thư sang chảnh… Đâu đấy khán giả vẫn nhìn thấy nhiều câu chuyện nhân văn, tích cực, chữa lành đậm chất Việt trong Cha tôi người ở lại, Những chặng đường bụi bặm, Mẹ biển, Dịu dàng màu nắng, Mặt trời lạnh, Cầu vồng ở phía chân trời, Người thừa kế Tâm Đức… Tuy nhiên những phim này vẫn không đủ "lực hút" như Độc đạo hay Đi giữa trời rực rỡ và cả những bộ phim đã từng làm mưa làm gió trước đó.

Từ đầu năm 2025, Đài truyền hình VN - Hãng phim VFC cũng đã chủ động xây dựng chiến lược để thay đổi giờ phát sóng phim giờ vàng nhằm lôi kéo khán giả ở mọi lứa tuổi, tạo thói quen xem phim ở khung giờ cố định, nhưng có vẻ hiệu ứng vẫn chưa được như mong đợi.

Nhận định về sự "giậm chân tại chỗ" của phim truyền hình hiện nay, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho rằng: "Theo tôi, do phim truyền hình Việt hiện nay thiếu sự chân thành, thiếu bản sắc, và quan trọng hơn là thiếu những câu chuyện thật. Chúng ta chạy theo trào lưu, ép mình vào những công thức "gia đình - phản bội - tình tay ba - nghèo vượt khó", nhưng lại làm hời hợt, kịch bản không đủ chiều sâu, cảm xúc không đủ lắng. Khán giả xem vài tập là chán cũng là chuyện dễ hiểu".

Nói về chất lượng kịch bản phim truyền hình, đạo diễn của Đi giữa trời rực rỡ chia sẻ thêm rằng chúng ta đang thiếu thời gian và môi trường để nuôi dưỡng một kịch bản tốt. Nhiều biên kịch trẻ rất có tố chất, nhưng họ bị ép chạy "deadline" theo tháng, theo quý, "làm gì có không gian để nghĩ cho sâu, viết cho tới, nuôi cho chín?". Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho rằng: "Một kịch bản hay cần được đọc, được chỉnh, được phản biện, và được sống cùng người viết ít nhất vài tháng. Chúng ta chưa có quy trình chuyên nghiệp cho điều đó".

Xem phim truyền hình hiện nay, khán giả có thể dễ dàng bắt gặp một diễn viên đóng đúng một loại vai, một kiểu nhân vật "đo ni đóng giày", thì dù diễn viên đó có diễn tốt đến đâu, là gương mặt ăn khách ra sao cũng gây nhàm chán. Và bản thân diễn viên sẽ không có nhiều cơ hội phát huy sự sáng tạo, tạo sự bùng nổ ở những dạng vai khác biệt. Diễn viên trẻ của phim truyền hình nhiều nhưng họ diễn xuất chưa tới, thiếu điểm nhấn nên dù có đóng vai chính cũng không thể tạo ấn tượng với người xem.

Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cũng cảnh báo về tình trạng đang xảy ra ở một số đoàn phim là chọn diễn viên chỉ vì... lượng "follower" mà diễn viên đó sở hữu trên mạng xã hội, chứ không phải vì diễn viên hợp vai hoặc có khả năng diễn xuất tốt.

LÀM GÌ ĐỂ TẠO RA "CÚ BẬT" ?

Theo đại diện một số đơn vị sản xuất phim truyền hình, họ đã và đang thử nghiệm với phim truyền hình ngắn tập. Vì phim ngắn tập tượng trưng cho sự linh hoạt trong thời đại số hiện nay, khi khán giả có xu hướng muốn thưởng thức nội dung ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy cảm xúc. Việc giảm số lượng tập phim có thể nâng cao tiêu chuẩn kịch bản, tập trung vào các yếu tố gay cấn và các tình tiết tinh tế.

"Để tạo ra những "cú bật" thực sự cho phim truyền hình, các nhà sản xuất cần có chiến lược rõ ràng từ xác định cụ thể đối tượng khán giả mà mình muốn hướng đến, xây dựng những tác phẩm phù hợp với thị hiếu của họ và định hình phong cách làm phim. Bên cạnh đó, việc lên một quy trình rõ ràng trong tất cả các giai đoạn giúp việc sản xuất phim trở nên nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời cần phải thực hiện những chiến lược marketing sáng tạo để quảng bá phim, sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội hiệu quả, tương tác thường xuyên với khán giả. Cuối cùng, các nhà sản xuất cần sẵn sàng thay đổi và thử nghiệm với các thể loại", đại diện đơn vị sản xuất Hòa Bình Film cho biết.

Việc tìm kiếm những gương mặt mới, đào tạo thêm cho diễn viên trẻ cũng rất quan trọng. Hiện tại VFC vẫn tổ chức tuyển chọn và đào tạo diễn viên trẻ. Vài đơn vị khác cũng đã lên kế hoạch thành lập các lớp đào tạo và phát hiện tài năng diễn viên trẻ thông qua các chương trình casting và diễn xuất thực tế.

"Chúng ta cần một hệ sinh thái đào tạo và nâng đỡ diễn viên trẻ một cách bài bản và dài hơi. Còn với những diễn viên quen mặt, đừng cứ đưa họ vào vai giống nhau. Hãy cho họ thử vai lệch tuyến, cho họ bị "vùi dập", cho họ thất bại, yêu sai, hoặc làm phản diện trong phim", đạo diễn Đỗ Thanh Sơn nêu ý kiến.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn