Philippines áp dụng khái niệm 'một chiến trường' ở khu vực Biển Đông - Hoa Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro ngày 30.6 cho hay các nhà lãnh đạo quân sự đang nỗ lực thực thi khái niệm 'một chiến trường' ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, theo Reuters.
Vào tháng 4, tờ báo Nhật Asahi đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã đưa ra đề xuất với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth về việc xem biển Hoa Đông, Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh là một "chiến trường" duy nhất, ám chỉ một khu vực hoạt động quân sự, theo Reuters.
Đến ngày 30.6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho rằng việc coi cả biển Hoa Đông và Biển Đông là một khu vực hoạt động duy nhất là "hợp lý", nhưng khu vực này nên loại trừ bán đảo Triều Tiên, theo Reuters.
"Điều đó sẽ liên quan đến sự phối hợp trong các hoạt động... trong trao đổi thông tin tình báo và trong việc củng cố lẫn nhau sức mạnh của chúng tôi để làm việc một cách hiệu quả", Bộ trưởng Teodoro phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm của người đồng cấp Lithuania Dovile Sakaliene.
Cũng theo ông Teodoro, Philippines đang phải đối mặt với các mối đe dọa ở vùng biển tranh chấp tương tự như Nhật Bản.
Nhật Bản và Trung Quốc đã nhiều lần đối đầu nhau xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trong khi đó, Philippines và Trung Quốc thường đối đầu ở Biển Đông xung quanh các bãi cạn và đảo san hô tranh chấp mà Manila tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Bộ trưởng Teodoro cho biết thêm Bộ Tư lệnh tác chiến chung của Nhật Bản đang triển khai khái niệm "một chiến trường" duy nhất và nhóm "Biệt đội" bao gồm các bộ trưởng quốc phòng Úc, Nhật Bản, Philippines và Mỹ sẽ thành lập một trung tâm điều phối vào tháng 12 để thực thi khái niệm này.
Năm ngoái, Nhật Bản và Philippines đã ký một thỏa thuận quân sự cho phép binh sĩ hai nước có mặt trên lãnh thổ của nhau.
Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Philippines đã mở rộng quan hệ đồng minh ra ngoài Mỹ, ký kết thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản và New Zealand, và đàm phán những thỏa thuận tương tự với Canada và Pháp, theo Reuters.