Phẫu thuật đốt sống cho người mắc nhiều bệnh nền - Báo VnExpress

Bà Phúc đau cột sống thắt lưng lan xuống chân hai năm nay. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, kết quả chụp cộng hưởng từ ghi nhận bà bị trượt thân đốt sống L4 ra trước, phình đĩa đệm kèm dày dây chằng vàng gây hẹp ống sống, chèn ép rễ thần kinh hai bên. Thân đốt sống T11 bị xẹp, thoái hóa toàn bộ cột sống thắt lưng.
"Đây là ca phức tạp, nếu không điều trị, người bệnh khó đi lại, thậm chí dẫn tới tê liệt vĩnh viễn hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ", thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Tín, khoa Ngoại Thần kinh Cột sống, nói, thêm rằng quá trình phẫu thuật gặp nhiều trở ngại do bệnh nhân có tiền sử xuất huyết não, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận, loãng xương. Đặc biệt, các tổn thương phổi gồm giãn phế quản, khí phế thũng, xơ phổi, xẹp gần hết phổi phải, dịch màng phổi. Nếu phẫu thuật theo phương pháp truyền thống, bệnh nhân bắt buộc phải được gây mê nội khí quản, đặt ống thở, nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp sau mổ rất cao, tử vong. Trường hợp này đòi hỏi phương án mổ ít xâm lấn, không gây mê, rút ngắn thời gian thao tác trong mổ, giảm tối đa nguy cơ tác động lên hệ hô hấp.
Các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa gồm phẫu thuật Thần kinh Cột sống, Gây mê hồi sức, Hô hấp, Nội tiết, quyết định phẫu thuật bắt vít qua da cố định cột sống, sử dụng gây tê tủy sống và giảm đau ngoài màng cứng. Phương pháp này cho phép tiếp cận vùng tổn thương mà không cần đặt nội khí quản, đảm bảo kiểm soát đau trong mổ, rút ngắn thời gian thao tác và hạn chế xâm lấn.
Trong 90 phút, bà Phúc được đặt nằm sấp trên bàn mổ chuyên dụng, đảm bảo tư thế tiếp cận vùng cột sống nhưng vẫn hạn chế tối đa áp lực lên phổi. Người bệnh được gây tê tủy sống và đặt catheter ngoài màng cứng, giúp kiểm soát đau hiệu quả. Dưới hướng dẫn của hệ thống C-arm tăng sáng, các bác sĩ xác định chính xác vị trí thân đốt sống L4, L5 bị trượt, đánh dấu vị trí cuống sống và tạo đường rạch da nhỏ để tiếp cận vào trong. Việc bắt vít được thực hiện tỉ mỉ qua cuống sống với độ chính xác cao, sử dụng dây dẫn định hướng và vít titan chuyên biệt.
Toàn bộ thao tác được hỗ trợ bởi hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh (IONM), giúp phát hiện sớm mọi kích thích bất thường đến rễ thần kinh, đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân. Sau khi các vít được cố định, thanh nối được đưa vào để nắn chỉnh thân đốt sống L4 về đúng vị trí giải phẫu, khôi phục lại cấu trúc cột sống.
Sau mổ một ngày, bà Phúc có thể ngồi dậy và tập đi nhẹ nhàng, không gặp biến chứng hô hấp. Sau 7 ngày điều trị, triệu chứng đau lưng và lan xuống chân chấm dứt, bệnh nhân ổn định và khỏe mạnh xuất viện.
Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng một đốt sống trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống bên dưới. Nguyên nhân thường do thoái hóa, khuyết eo, chấn thương hoặc mất vững cột sống sau mổ.
Theo bác sĩ Tín, điều trị trượt đốt sống thắt lưng bằng kỹ thuật bắt vít qua da có nhiều ưu điểm như cho phép can thiệp chính xác vào vị trí bệnh lý mà không cần mở rộng vết mổ, bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu, giảm chảy máu trong mổ, giảm đau sau mổ, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện. Phương pháp này rất phù hợp nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, nhiều bệnh nền, tránh nguy cơ từ gây mê nội khí quản, tạo điều kiện phẫu thuật an toàn.
Linh Đặng
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |