Nhảy đến nội dung

Phát hiện mới liên quan đến vùng não nơi sinh ra ý thức

Trái với giả định lâu nay rằng ý thức xuất phát từ vùng vỏ não trước trán, nơi liên quan đến tư duy và ra quyết định, nghiên cứu mới cho thấy ý thức có thể bắt nguồn từ vùng vỏ não phía sau.

Nghiên cứu mới liên quan đến ý thức được thực hiện bởi các nhà khoa học thần kinh tại 12 phòng thí nghiệm ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, với sự tham gia của 256 tình nguyện viên. 

Các nhà nghiên cứu đã đo lường hoạt động điện, từ và lưu lượng máu trong não khi các đối tượng xem hình ảnh khuôn mặt và các vật thể khác nhau. Kết quả cho thấy hoạt động liên quan đến ý thức mạnh hơn ở vùng vỏ não phía sau, trái ngược với vùng vỏ não trước trán như nhiều giả thuyết trước đây đề xuất.

Các nhà khoa học đã kiểm nghiệm hai học thuyết chủ đạo hiện nay về cơ chế hình thành ý thức, vốn là trung tâm của nhiều tranh luận khoa học suốt hàng thập kỷ qua.

Lý thuyết không gian làm việc toàn cầu (Global Neuronal Workspace Theory - GNWT): Theo học thuyết này, ý thức hình thành tại vùng vỏ não trước trán, nơi chịu trách nhiệm cho các quá trình tư duy bậc cao như lập kế hoạch, lý luận, ra quyết định. Theo đó, ý thức là kết quả của việc thông tin "được phát sóng" đến nhiều vùng não khác sau khi được xử lý tại vùng này, tạo thành một mạng lưới thần kinh rộng khắp.

Lý thuyết thông tin tích hợp (Integrated Information Theory - IIT): Lý thuyết này cho rằng ý thức không phụ thuộc vào một khu vực riêng lẻ nào trong não, mà là kết quả của mức độ tích hợp thông tin giữa các vùng não khác nhau. Càng nhiều vùng não tham gia và kết nối phức tạp để tạo nên một trải nghiệm nội tại duy nhất, mức độ ý thức càng cao.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy một thực tế khác biệt. Các dấu hiệu thần kinh liên quan đến ý thức, khi người tham gia nhìn thấy hình ảnh và phản ứng với chúng, lại được phát hiện chủ yếu ở vùng vỏ não phía sau, nơi chịu trách nhiệm xử lý cảm giác như thị giác và thính giác. 

Ngược lại, vùng vỏ não trước trán, nơi được xem là "trung tâm điều hành", lại cho thấy hoạt động yếu hơn hoặc gần như không liên quan đến trải nghiệm thị giác có ý thức.

Điều này cho thấy rằng vùng trước trán đóng vai trò thiết yếu trong nhận thức bậc cao và hành vi phức tạp nhưng lại có thể không hề giữ vai trò trung tâm với trải nghiệm có ý thức, ít nhất là trong trường hợp thị giác. 

Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chưa có đủ bằng chứng để xác nhận sự tồn tại của một mạng lưới tích hợp kéo dài và bền vững như IIT dự đoán.