Nhảy đến nội dung
 

Phát hiện hàng triệu người đang mắc chung 1 hội chứng sau 5 ngày ăn - chơi - ngủ

Còn ai hăm hở đi làm sớm, trả deadline rẹt rẹt thì xứng đáng x10 lương tháng này.

Sáng nay - thứ 2 ngày 5/5/2025, nghe có vẻ là ngày đẹp nhưng hẳn nhiều người thức dậy với cùng tâm trạng không đẹp lắm: "Ủa? Vậy là hết lễ thiệt hả trời?".

Vâng, sự thật thường nghiệt ngã. Sau 5 ngày tung tăng người đi du lịch lên rừng xuống biển, người về quê ăn ngày 7749 bữa và tăng ngót nghét 2kg thì bây giờ chúng ta quay lại công ty trong tình trạng rệu rã như chiếc laptop đồ cổ, có thể chớp tắt, đơ lag, treo máy bất cứ lúc nào.

Chào mừng bạn đến với sáng thứ Hai ngay sau kỳ nghỉ lễ dài, ngày được mệnh danh là... ngày dễ kiệt sức, dễ sai lầm và khó yêu đời nhất năm. Đau lòng ở chỗ, nó đến ngay cả khi bạn đã nghỉ xả láng!

Thực ra nói nghỉ xả láng mới chỉ là một mặt của kỳ nghỉ lễ, mặt còn lại thì hên xui.

Bạn đã tưởng tượng mình sẽ nằm dài ở resort, tay cầm nước dừa, mắt nhìn ra biển. Thực tế thì sao? Cả ngày ngồi sau vô-lăng, hít khói xe, tối về lại tiệc tùng bạn bè, người thân. Và đến khi bạn thực sự nằm xuống giường... là lúc đồng hồ báo thức réo gọi sáng thứ Hai.

Bạn đã nghĩ mình được sạc pin, nạp “vitamin sea” hoặc “vitamin cỏ cây hoa lá” để quay lại làm việc tràn đầy năng lượng. Nhưng có khi chỉ mấy tiếng đồng hồ ùn tắc ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây hoặc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng khiến năng lượng hừng hực đó vơi đi phần lớn.

Tuy nhiên xin đừng quá lo lắng vì bạn không cô đơn đâu. Có rất nhiều người đang ở trạng thái “đơ toàn tập” sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Theo các chuyên gia tâm lý học, có một hội chứng gọi là Post-holiday blue - tạm hiểu là trạng thái căng thẳng sau mùa lễ hội. Cụm từ này dùng để chỉ những cảm xúc ngắn hạn mà các cá nhân trải qua sau kì nghỉ bao gồm buồn bã, cô đơn, mệt mỏi, thất vọng, uể oải, suy sụp tinh thần hoặc thậm chí là sợ hãi những tháng ngày sắp tới. Thông thường, hội chứng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và sau đó biến mất nhưng rất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của bạn.

Cụ thể hơn, việc nghỉ ngơi quá dài (và quá phấn khích) khiến nhịp sinh học bị đảo lộn hoàn toàn. Cơ thể đang quen dậy lúc 10h sáng, ăn sáng lúc trưa và lướt TikTok đến 2h đêm, nay phải bắt đầu lại với cuộc đời công sở lúc 8h sáng - một cú sốc không hề nhẹ.

Và đó không chỉ là mệt mỏi thể chất. Nhiều người rơi vào trạng thái “hụt hẫng hậu lễ” - một kiểu blues tinh thần khi phải từ biệt những ngày tự do để quay lại deadline, KPI và cà phê pha sẵn trong phòng họp.

“Tôi vừa viết sai email, gửi nhầm file báo cáo tháng 3 thay vì tháng 4, và... vẫn còn gõ 'Ê đi cà phê không?' trong phần mở đầu chat với đồng nghiệp. May mà chưa gửi nhầm cho sếp hay đối tác” - một cư dân mạng chia sẻ.

Với sự đáng báo động này, có cách nào “vượt bão” hậu nghỉ lễ không? Chắc chắn là có.

Đầu tiên, đừng ép mình bật chế độ siêu nhân ngay ngày đầu quay lại văn phòng. Hãy cho bản thân nửa ngày hoặc 1 - 2 tiếng để “khởi động” tinh thần làm việc giải quyết các việc đơn giản, đọc email nhẹ nhàng. Từ từ thôi, deadline vẫn còn đó, bạn làm sai nghiêm trọng ngay lúc này có khi bị phạt không chừng.

Tiếp theo là ưu tiên ngủ đủ - ngủ sớm. Vào buổi tối trước khi quay lại làm việc, đừng đi ngủ lúc 2h sáng như mấy ngày trước đó mà reset lại đồng hồ sinh học bằng một cữ ngủ trước 23h, sáng dậy sớm hơn một chút, tập nhẹ vài động tác cho máu lưu thông (hoặc ít nhất là mở mắt không phải nhờ... cà phê).

Tái thiết niềm vui chốn công sở bằng những việc làm nhỏ như một bài nhạc yêu thích, một cốc trà sữa giữa giờ làm hay đơn giản là việc kể chuyện nghỉ lễ cho đồng nghiệp cũng đủ kéo tâm trạng bạn khỏi vũng lầy sau lễ.

Và cuối cùng... lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo. Nghe mơ hồ nhưng cam đoan là không gì vực dậy tinh thần “đi làm để sống” bằng việc âm thầm tra cứu lịch nghỉ lễ Quốc khánh từ bây giờ!

Suy cho cùng, ai cũng mệt sau kỳ nghỉ - kể cả những người vừa ngủ resort 5 sao lẫn những chiến binh sống sót qua đêm xe giường nằm. Nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đã hết mình trong kỳ nghỉ và giờ là lúc đưa năng lượng đó quay lại với công việc, dự định và… quỹ tiết kiệm vừa cháy túi.