Phẫn nộ vì chuyến bay giải cứu bị ngăn chặn

TPO - Ngày 26/4, Hãng hàng không Ryanair bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định của Cơ quan hàng không dân dụng Anh (CAA) khi chặn một chuyến bay thay thế đưa 177 hành khách về Manchester, sau sự cố hành khách gây rối trên chuyến bay từ Maroc.
Vụ việc xảy ra trên chuyến bay RK1265 của Hãng hàng không Ryanair khởi hành từ Agadir (Maroc) đến Manchester (Anh) vào tối 24/4. Một giờ sau khi cất cánh, khi máy bay đang bay qua vùng biển ngoài khơi phía tây nam Bồ Đào Nha, phi công đã buộc phải chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Faro (Bồ Đào Nha) để đưa một hành khách say xỉn và hung hăng rời khỏi máy bay.
![]() |
Hãng hàng không Ryanair bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định của CAA khi chặn một chuyến bay thay thế của hãng. Ảnh: MSN. |
Sau khi hành khách gây rối được cảnh sát áp giải, máy bay tiếp nhiên liệu để tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, một trục trặc kỹ thuật phát sinh khiến máy bay không thể tiếp tục bay và cần có kỹ sư kiểm tra.
Hãng Ryanair lập tức điều một máy bay khác cùng phi hành đoàn để đưa hành khách về đích. Tuy nhiên, phía CAA đã từ chối cấp phép cất cánh cho chuyến bay thay thế từ Faro, buộc toàn bộ hành khách phải lưu trú qua đêm tại khách sạn ở Algarve.
Phát biểu với tờ The Independent, ông Eddie Wilson - Giám đốc điều hành Ryanair DAC - gay gắt chỉ trích: “Đây là sự quan liêu vô lý. Chính phủ Anh nói muốn cắt giảm thủ tục hành chính, nhưng nhân viên CAA thì không thể xử lý tình huống này vì… đang ngủ. Họ không có bộ phận trực ngoài giờ”.
Ông Wilson cho biết trong số 177 hành khách có 32 trẻ em và trẻ sơ sinh, tất cả đều bị mắc kẹt qua đêm. “Chúng tôi đã làm đúng là xử lý hành khách gây rối, có sẵn máy bay thay thế để hành khách không bị chậm trễ. Nhưng hệ thống của CAA lại cứng nhắc đến mức không cho phép máy bay cất cánh, dù mọi thứ đều đúng quy định”.
![]() |
Hãng hàng không này khẳng định sẽ đưa vụ việc ra tòa để kiện CAA về quyết định trên. Ảnh: In-Cyprus. |
Theo ông Wilson, Ryanair UK - đơn vị khai thác các đường bay không thuộc Liên minh châu Âu (EU) của hãng hiện có 15 máy bay đăng ký tại Anh, trong khi lịch bay yêu cầu 18 chiếc. Việc thiếu máy bay đăng ký sau việc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời EU (Brexit) được cho là nguyên nhân khiến CAA không chấp thuận chuyến bay thay thế, dù chiếc máy bay thuộc cùng loại, cùng hãng, với đầy đủ quy trình và nhân sự tương đương.
Trước những chỉ trích, người phát ngôn của CAA phản hồi: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ hành khách và đảm bảo các hãng hàng không tuân thủ quy định pháp lý sau khi Anh rời EU. Chúng tôi khuyến khích các hãng như Ryanair xây dựng kế hoạch dự phòng phù hợp với số lượng máy bay đăng ký tại Anh”.
CAA cho biết, Hãng hàng không Ryanair đã được thông báo về yêu cầu này từ lâu, nhưng hãng vẫn ưu tiên phân bổ máy bay cho các công ty con tại EU thay vì Anh, làm tăng nguy cơ gián đoạn đối với hành khách tại Vương quốc Anh.
Vụ việc một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về những phức tạp trong ngành hàng không sau Brexit, đặc biệt là đối với các hãng khai thác nhiều đường bay ngoài EU như Ryanair.
Hãng hàng không này khẳng định sẽ đưa vụ việc ra tòa để kiện CAA về quyết định chặn chuyến bay giải cứu nói trên.