Phạm Huỳnh Tam Lang: Trung vệ 'thép' hào hoa

50 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, bóng đá VN đã sản sinh ra nhiều tài năng kiệt xuất. Và chính những huyền thoại này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nước nhà khi từng bước hội nhập với thế giới.
Nói đến Phạm Huỳnh Tam Lang, giới chuyên môn và người hâm mộ đều cảm phục tài năng đặc biệt của ông, cũng như sự tận tụy, hết lòng với công việc, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Ông là tấm gương sáng về ứng xử văn hóa trên sân cỏ lẫn ngoài đời.
SỞ HỮU LỐI CHƠI THÔNG MINH, TINH TẾ
Phạm Huỳnh Tam Lang sinh năm 1942 tại Gò Công (nay là Tiền Giang). Sự nghiệp của ông xuất phát từ bóng đá học đường với đội bóng đầu tiên mà ông khoác áo là đội Trường trung học Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong - TP.HCM). Khi mới 15 tuổi, ông đã được thi đấu cho đội Ngôi sao Chợ Lớn và 3 năm sau, được triệu tập vào đội tuyển miền Nam nhờ những tố chất đặc biệt. Ông đã để lại những dấu ấn khó phai mờ, trong đó thành tích vang dội nhất là cùng đội tuyển miền Nam đoạt Cúp Merdeka năm 1966. Ông nổi tiếng là một trung vệ "thép" tài hoa, một chốt chặn vô cùng vững chãi, làm điểm tựa cho các đồng đội.
Sau năm 1975, ông chơi cho đội bóng Cảng Sài Gòn hơn nửa thập niên và càng trở nên nổi tiếng bởi những phẩm chất vô cùng đáng quý. Nổi tiếng không chỉ bởi trình độ chuyên môn mà còn cách ông chăm chút cho nghề. Phạm Huỳnh Tam Lang luôn tạo ra hình ảnh rất đẹp trên sân, từ phong thái thi đấu (quyết liệt nhưng không thô bạo, không phạm lỗi xấu xí) đến cả trang phục (chỉn chu, mẫu mực). Chơi ở vị trí trung vệ, Phạm Huỳnh Tam Lang với vóc người dong dỏng cao, sở hữu một lối chơi hiện đại, kèm người rất khôn ngoan, bọc lót giỏi, phán đoán tình huống hay, ít để lộ sơ hở cho đối thủ khai thác. Người đá cặp ăn ý một thời với ông ở đội Cảng Sài Gòn là trung vệ Lê Đình Thăng luôn dành cho đàn anh của mình sự kính trọng đặc biệt. Ông Thăng ca ngợi "bức tường thép" Phạm Huỳnh Tam Lang thi đấu thông minh, chắc chắn và tinh tế. Ông luôn có những cú tắc bóng vô cùng điệu nghệ, bay vào chân đối thủ như kiểu con bò cạp, nhưng hầu hết là không phạm lỗi.
HLV Phạm Huỳnh Tam Lang GIÀU TÌNH CẢM
Khi không còn thi đấu, ông trở thành HLV đội bóng Cảng Sài Gòn sau một khóa tu nghiệp tại CHDC Đức. Và trong hơn 20 năm dẫn dắt đội bóng, ông đã cùng các thế hệ học trò đoạt 4 chức vô địch quốc gia - một thành tích phi thường. Trong đó có những ngôi vô địch gây kinh ngạc, như mùa giải năm 1986, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang không có lực lượng mạnh. Đội Cảng Sài Gòn khi đó hầu hết chỉ là những cầu thủ còn non kinh nghiệm, mới tốt nghiệp Trường năng khiếu như Đặng Trần Chỉnh, Võ Hoàng Bửu, Hà Vương Ngầu Nại, Phan Huy Khải, Phạm Văn Tám, Đặng Trần Phúc. Nhưng dưới bàn tay dẫn dắt tuyệt vời của ông, đội đã đăng quang một cách thuyết phục...
Ông được khán giả yêu quý, được học trò kính trọng bởi nhân cách sáng ngời của một người thầy. Ông giàu tình cảm, ứng xử hòa nhã, không lớn tiếng với bất cứ ai. Ông luôn niềm nở, nhẹ nhàng, bặt thiệp, sống hòa mình, hết lòng với đàn em, với cầu thủ. Nhiều học trò của ông sau này kể lại rằng thầy Tam Lang luôn có tính kỷ luật cao nhưng khi xảy ra sự cố liên quan đến đội, trong lúc tinh thần mọi người đang dao động, chính thầy đứng ra nhận hết dù thầy không hề liên quan đến bất cứ hành vi nào của học trò. Thầy luôn dũng cảm, thể hiện trách nhiệm để bảo vệ cầu thủ. Nhưng thầy cũng rất mạnh mẽ khi phân tích những điều mà học trò chưa làm được để họ sửa sai, mau tiến bộ. Cựu cầu thủ Lư Đình Tuấn từng bị "mời" ra khỏi Trường năng khiếu vì thể hình quá bé, nhưng chính HLV Tam Lang đã nhận anh về và chỉ vài năm sau "biến" anh trở thành "Maradona VN" như báo chí Hồng Kông đã phong tặng năm 1993.
TÀI ĐỨC VẸN TOÀN
Phạm Huỳnh Tam Lang từng nhiều lần được ngành TDTT, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và Hội đồng HLV quốc gia đề xuất vào vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia trong những năm thập niên 1990 và đầu 2000, nhưng ông khiêm tốn từ chối. Ông từng chia sẻ rằng, ông không ngại đương đầu với khó khăn, nhưng thời điểm đó bóng đá VN có nhiều nhà cầm quân nội giỏi, bản lĩnh và kinh nghiệm như HLV Vũ Văn Tư, Trần Bình Sự, Trần Duy Long, Nguyễn Văn Vinh hay Lê Đình Chính nên ông muốn những nhà quản lý bóng đá VN giao nhiệm vụ cho họ. Sau này khi VFF mời HLV ngoại như Karl-Heinz Weigang, Alfred Riedl, Colin Murphy hay Dido, ông không nề hà, sẵn sàng làm cộng sự để hỗ trợ và đóng góp một phần công sức của mình cho đội tuyển.
Thái độ cầu thị này càng giúp hình ảnh của Tam Lang thêm khắc sâu trong lòng người hâm mộ. Một trợ lý HLV của đội tuyển VN đã nói về ông với tất cả sự ngưỡng mộ: "Tôi cộng tác với anh Tam Lang qua nhiều đời HLV ngoại và rất khâm phục tài năng, tính cách của anh. HLV Tam Lang bao giờ cũng ngay thẳng và rất có trách nhiệm với công việc của mình. Ít khi nào anh nói về mình và hay lảng tránh khi nhận được lời khen vì anh thường cho rằng bóng đá là trò chơi tập thể, không nên đề cao bất cứ một cá nhân nào. Nhất là HLV thì càng phải lùi về phía sau để dành phần thưởng đó cho tập thể cầu thủ".
Trong suốt sự nghiệp khi còn làm cầu thủ hay sau này trở thành HLV, ông luôn khuyên đàn em không ngừng học hỏi, phấn đấu trui rèn về chuyên môn lẫn đạo đức. Ông luôn nhắn nhủ các cầu thủ phải nỗ lực miệt mài, phải phát huy hết phẩm chất của mình để xây dựng văn hóa đẹp, ứng xử tốt trên sân, tuyệt đối không nóng nảy và phải biết kiềm chế cảm xúc trong các tình huống. Một HLV ngoại từng nhận xét về HLV Phạm Huỳnh Tam Lang: "Những gì mà ông ấy dày công để CLB Cảng Sài Gòn trở thành biểu tượng hùng hồn của bóng đá TP.HCM và cả nước, thật đáng khen ngợi. Phạm Huỳnh Tam Lang chính là biểu hiện của sự thông minh, nhân hậu và phấn đấu bền bỉ. Tôi biết đó là một con người rất chịu khó, thường xuyên theo học các lớp đào tạo, tự mày mò kiến thức, ngoại ngữ. Tam Lang được mọi người tôn trọng cả về tài lẫn đức trong và ngoài sân cỏ. Từ con người đến nhân cách, có thể nói ông chính là Beckenbauer của VN. Ông ấy xứng đáng là một trong những cầu thủ tiêu biểu nhất của bóng đá VN". (còn tiếp)