Nhảy đến nội dung
 

“Phải làm rõ gió mạnh mức nào nhà có thể tốc mái, người có thể bị cuốn bay”

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn, cần diễn giải rõ cho dân hiểu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, nhà bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió bay…

Quan điểm chỉ đạo này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra khi chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền bắc, Bắc Trung bộ, và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó cơn bão số 3 (bão Wipha), ngày 20/7.

Phạm vi của bão trải dài từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác về quy mô, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão. Hiện nay, theo nhận định, bão có thể ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, thậm chí còn rộng hơn do tác động của hoàn lưu sau bão.

Trước diễn biến cấp bách của bão số 3, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp ngay sau cuộc họp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.

Phó Thủ tướng cho biết bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền, càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền.

Do đó, các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của bão, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Đặc biệt, cần xác định rõ khu vực đặc biệt xung yếu, những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Các đài khí tượng thủy văn khu vực phải dự báo cụ thể khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường; cảnh báo khu vực có mưa lớn, nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao (đặc biệt là phía Tây Thanh Hóa, Bắc Nghệ An), theo yêu cầu của Phó Thủ tướng.

Đây sẽ là căn cứ để địa phương xác định cụ thể trên bản đồ hiện trạng, chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đặc biệt, ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần diễn giải rõ cho dân hiểu “gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay”...

“Có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh", theo lời Phó Thủ tướng.

Về tổ chức chỉ huy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò công tác điều hành tại chỗ thông qua cơ chế rõ ràng, linh hoạt của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã, tỉnh. Những khu vực vượt quá khả năng, địa phương cần chủ động báo cáo sớm, đầy đủ, trung thực về thực trạng đê điều, vật tư, lực lượng, cơ sở hạ tầng để có phương án điều phối từ Trung ương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT...) khẩn trương kiểm tra kết nối hệ thống thông tin, không để lặp lại tình trạng mất liên lạc hay đứt gãy thông tin chỉ đạo như trong các tình huống thiên tai trước đây, đặc biệt tại các khu vực miền núi Nghệ An, Thanh Hóa và vùng ven biển.

Quảng Ninh, Hải Phòng chịu tác động của bão mạnh nhất

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 21/7, bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7.

Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Bộ đội Biên phòng các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh.

Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, khoảng ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải... có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13- 14, sóng biển cao 3-5m do bão số 3.

Từ khoảng tối 21/7, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh - Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7-9, sóng biển cao 3-5m. Sóng lớn kết hợp triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều 21-23/7.

Do phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rộng, lệch Tây và Nam, hầu khắp khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ. Chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất.

Từ tối và đêm 21/7, trên đất liền ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.

Dự báo bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh từ ngày 21/7. Trong đó, ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, thời gian mưa từ ngày 21 đến 23/7, lượng mưa 200-350mm, có nơi trên 600mm, các nơi khác 100-200mm, có thể xảy ra mưa cường suất lớn, 150-200mm/3 giờ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn