'Phải cấm quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa bệnh, giảm cân cấp tốc'

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu đề nghị phải cấm quảng cáo quá mức về công dụng của thực phẩm chức năng; những tuyên bố 'chữa bệnh', 'giảm cân cấp tốc' phải được quản lý nghiêm ngặt.
Ngày 17.5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, góp ý luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nói, hàng loạt vụ việc thực phẩm chức năng giả được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm liên quan đến chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày, trong một thời gian dài.
Theo đại biểu đoàn Thái Bình, dù đã có quy định quản lý sản phẩm, hàng hóa sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm sức khỏe, song vẫn đang xảy ra việc một số doanh nghiệp sản xuất thuốc giả, sữa giả, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện, gây bức xúc, lo lắng cho người dân.
Bà Thu nhìn nhận, vấn đề nằm ở chỗ theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm. Thậm chí, một số thực phẩm bổ sung, thực phẩm thông thường thì không cần chờ phê duyệt trước khi lưu hành, không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm, xác nhận trước khi đưa ra thị trường.
"Đây là một chính sách nhằm tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên hình thức này cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và công tác quản lý nhà nước", bà Thu nhấn mạnh, và cho rằng, một số doanh nghiệp đã tận dụng cơ chế này để hợp pháp hóa thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi.
Cho rằng vẫn cần giữ quy định tự công bố sản phẩm, nhưng theo bà Thu, cần nâng cao trách nhiệm thực thi, siết chặt hậu kiểm, ứng dụng công nghệ minh bạch hóa thông tin sản phẩm.
Bà đề nghị các loại thực phẩm chức năng thì bắt buộc phải có hồ sơ kết quả nghiên cứu, hồ sơ khoa học xét duyệt kết quả nghiên cứu và có tiêu chuẩn riêng. Kết quả kiểm nghiệm phải công khai ứng dụng công nghệ quản lý, truy xuất nguồn gốc.
"Đặc biệt cấm quảng cáo quá mức về công dụng. Những tuyên bố như "chữa bệnh", "giảm cân cấp tốc", đều phải quản lý nghiêm ngặt", đại biểu Khánh Thu nhấn mạnh.
Bà cũng đề nghị đối với sai phạm của sản phẩm hàng hóa ảnh hưởng tới sức khỏe cần tăng mạnh chế tài hình phạt khi phát hiện gian lận. Doanh nghiệp nào có hành vi này thì cần xử lý phạt thật nặng, đình chỉ lưu hành, thậm chí yêu cầu dừng sản xuất toàn bộ.
Truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp gian dối gây hậu quả nghiêm trọng, công khai tên doanh nghiệp vi phạm trên toàn quốc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng đã mua, sử dụng sản phẩm đó.
Tăng khung hình phạt, chế tài nghiêm khắc hàng giả, kém chất lượng
Tương tự, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng), đề nghị tăng chế tài và mở rộng đối tượng chịu trách nhiệm liên đới với hành vi vi phạm chất lượng.
Đại biểu Lâm Đồng phân tích, thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh dùng kho tạm chứa hàng hóa không rõ nguồn gốc, khi bị phát hiện thì né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho các bên khác. "Ví dụ như vụ hàng loạt sản phẩm giả nhãn mác như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bị phát hiện nhưng chỉ sẽ xử phạt vài chục triệu đồng, sau một tháng lại tiếp tục là tái phạm", đại biểu Tú Anh nêu.
Từ đó, bà đề nghị, nâng khung xử phạt đối với hành vi sản xuất, phân phối hàng giả, kém chất lượng có hệ thống. Đình chỉ hoạt động với hành vi tái phạm hành chính nhiều lần. Cùng đó, mở rộng trách nhiệm liên đới đến đơn vị vận chuyển kho chứa, đặc biệt khi đã biết có dấu hiệu tiếp tay cho hàng hóa vi phạm.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng dẫn bài học từ một số vụ sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng với số lượng lớn, tồn tại trong một thời gian dài vừa qua, đặc biệt là sữa giả, thuốc giả, mì chính giả mà ngành công an phát hiện gần đây cho thấy rõ những hạn chế, bất cập, cần khắc phục ngay của tình trạng "tiền buông, hậu bỏ".
Ông đề nghị luật cần phải có hàng rào, thậm chí là hàng rào một số lớp để bảo vệ người tiêu dùng trước nạn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và họa xâm lăng của hàng nhập khẩu kém chất lượng, hàng giả. Với những đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng lớn tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng và chất lượng giống nòi thì cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc.
"Hiện nay, chúng ta đang sửa bộ luật Hình sự và tôi đề nghị xem chế tài đã đủ sức răn đe chưa, nếu chưa đủ thì tiếp tục bổ sung hình phạt cho thỏa đáng để đảm bảo sức răn đe", ông Mai nói.