Nhảy đến nội dung
 

Phá tan "cánh cửa thép" XUÂN LỘC

Cách đây 50 năm, quân và dân huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã cùng nhau làm nên chiến thắng Dầu Giây, một mắt xích quan trọng trong Đại thắng mùa xuân 1975

Xuất phát từ nhận định: Đối với toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn - Xuân Lộc của địch chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong.

Rạng sáng 15-4-1975, ta bắt đầu tấn công sân bay Biên Hòa, chặn khả năng địch tiếp ứng bằng không lực. Cùng lúc đó, bằng 5 trận vận động tập kích, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt sinh lực của Chiến đoàn 52 ngụy. Đường số 1 từ Xuân Lộc tới Bàu Cá bị cắt. Đoạn đường 20 cuối cùng từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây do ta làm chủ.

Có thể nói, tiến công Xuân Lộc được coi là một chuỗi các trận đánh ác liệt nhất, trong đó có trận đánh Dầu Giây. Chiếm được Dầu Giây, coi như quân ta đã phá được "Bản lề" của "cánh cửa thép" Xuân Lộc. Từ đây, cửa ngõ đã được mở, quân giải phóng nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trong những ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi cùng đoàn công tác của Huyện ủy Thống Nhất đến thăm nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Dầu Giây cách đây 50 năm và trực tiếp được nghe những câu chuyện từ khói lửa chiến tranh. Ông Lâm Thành Quốc, cựu chiến binh và từng giữ chức vụ Đội phó Xã đội Dầu Giây - người trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng huyện Thống Nhất, tuy tuổi đã cao nhưng khi nói về những ngày kháng chiến ông vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày tháng 4 lịch sử.

Nhớ lại ký ức hào hùng, ông kể về trận đánh địch để giải phóng Dầu Giây. Đó là đêm 15-4-1975, khi lực lượng của ta nổ súng tiến công Chi khu Kiệm Tân, quân ta đã nhanh chóng chiếm được ấp Lạc Sơn. Cùng thời điểm này, rất nhiều quân địch từ Định Quán, Túc Trưng kéo chạy hoảng loạn, co cụm ở Dầu Giây. Lúc ấy, có khoảng 200 tên địch đã cắt rừng chạy về Bàu Hàm 2. Tại đồi Chuối, bộ đội ta đã nổ súng để chặn đánh. Trận đánh diễn ra trong đêm rất ác liệt, địch liều mạng chống trả. Trong cơn hoảng loạn, chúng tập trung bắn phá, bộ đội ta đã dùng B40 bắn kìm chân địch.

Sáng 17-4-1975, khi xe tăng của Quân đoàn 4 tiến vào Gia Kiệm, du kích xã đã dùng cờ đỏ để liên lạc với quân chủ lực. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B được lệnh tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52, thu toàn bộ xe tăng của địch, chiếm lĩnh bộ chỉ huy dã chiến của Chiến đoàn 52 ở căn cứ Nguyễn Thái Học. Như vậy, đường 1 từ Xuân Lộc về Bàu Cá bị cắt đứt, lộ 20 từ Túc Trưng về Dầu Giây được giải phóng.

Theo tư liệu lịch sử Đảng bộ huyện Thống Nhất, trong hơn 10 ngày chiến đấu, Quân đoàn 4 cùng các lực lượng vũ trang địa phương đã tiêu hao và tiêu diệt một lực lượng lớn của địch, gồm những đơn vị mạnh nhất, được tin cậy nhất như Sư đoàn 18, Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, Lữ đoàn 1 dù.

Trong trận này, ta đã tiêu diệt 2.056 tên địch, bắt 2.785 tên, diệt và đánh thiệt hại nặng 3 chiến đoàn bộ binh, 2 chi đoàn bọc thép, một số đơn vị pháo binh, biệt động, quân dù… Ta thu 48 ô tô, 1.499 súng (có 14 khẩu pháo 105 ly và 155 ly), 100.000 viên đạn các loại, phá hủy 16 ô tô, 42 xe tăng, xe bọc thép. Đến ngày 17-4-1975 là một dấu mốc lịch sử không thể nào quên trong lòng quân và dân huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Tại ngã tư Dầu Giây, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, quân và dân ta đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt lực lượng địch, đập tan tuyến phòng thủ tại đây, góp phần cắt đứt tuyến chi viện từ Biên Hòa lên Xuân Lộc. Chiến thắng Dầu Giây đã trở thành một mắt xích quan trọng trong Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.