Nhảy đến nội dung

Phá 'bức tường băng' với kinh tế tư nhân

Các bộ, ngành không được tự đặt thêm điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp - chủ trương trong Nghị quyết 68 được ví như một bức tường được phá băng, tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển.

Nghị quyết 68 đã "truyền cảm hứng" cho cho doanh nghiệp - ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB chia sẻ tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân phát triển" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 9.5.

Từ góc độ ngân hàng, ông Phát nói, các doanh nghiệp có 4 mối quan tâm chính là chi phí, thủ tục, thị trường, làm sao để chuyển đổi xanh theo định hướng. Chủ trương miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu như nghị quyết rất cần thiết. Bởi 3 năm đầu là thời gian sinh tồn của doanh nghiệp mới phát triển, đặc biệt là những start-up với phần đầu tư mạo hiểm.

"Ba năm đầu miễn thuế là một cách nuôi dưỡng các doanh nghiệp đó. Hiện nay doanh nghiệp đa số là nhỏ và siêu nhỏ, và thường là trên 50% khi doanh nghiệp thành lập 1 - 2 năm đầu khó tồn tại được", ông Phát cho hay.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo ACB, Nghị quyết 68 có "các điểm rất cởi mở", như tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận tài sản là đất công, giúp doanh nghiệp tư nhân được thuê đất với chi phí phù hợp. Tới đây, cần hiện thực về quy định, thể chế để làm sao chính sách này có thể đi vào cuộc sống.

Với lĩnh vực ngân hàng, để cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tài sản thế chấp, định giá tài sản, vay vốn là những vấn đề đang đặt ra để tháo gỡ.

Chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, cho biết việc phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề "đau đáu" suốt mấy chục năm qua.

Đơn cử như quan điểm "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" đưa ra từ năm 2017, nhưng nay vẫn chưa cụ thể hóa được tinh thần đó. Khi tham gia xây dựng nghị quyết, ban đầu cũng có những lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ sẽ không được chấp thuận.

Song, theo bà Thủy, "với sự chỉ đạo quyết liệt từ T.Ư, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ nam, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho chúng tôi. Có thể khẳng định nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước".

Ví dụ như về điều kiện kinh doanh - một "bức tường" rất khó tháo gỡ - thì nay nghị quyết nêu rõ chuyển sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. "Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng", bà Thủy đánh giá.

Sớm thể chế hóa nghị quyết, bãi bỏ ngay một số luật lệ

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng trước đây có 2 mốc đột phá về kinh tế tư nhân. Mốc thứ nhất là giai đoạn 1988 - 1990, khi kinh tế tư nhân được thừa nhận và mốc thứ hai là giai đoạn 1999 - 2000, gắn với sự ra đời của luật Doanh nghiệp. Từ đó đến nay, ông Hiếu nói, chúng ta vẫn liên tục cải cách, và Nghị quyết 68 có thể ví như "đột phá thứ ba" trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khác với 2 lần đột phá trước.

Đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân. Đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường. Nghị quyết 68 thì đã tiến thêm một bước, sẽ giúp thay đổi khu vực kinh tế tư nhân về chất. 

Ông Hiếu phân tích, có 3 nhóm mục tiêu và Bộ Chính trị mong muốn. Thứ nhất là tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường. Thông điệp ở đây rất rõ là xóa bỏ các rào cản hành chính trong quá trình hoạt động. Đó là cách giảm 30% thủ tục quy định chi phí tuân thủ. 

Thứ hai là tăng mức độ bảo vệ, không hình sự hoá, giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho khu vực kinh tế tư nhân. 

Và thứ ba là khơi thông nguồn lực, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực với đất đai, nguồn lực về mặt bằng sản xuất kinh doanh, về vốn, nhân sự.

Ông Hiếu cho rằng để sớm thể chế hóa nghị quyết, cần sớm sửa đổi và bãi bỏ một số luật lệ, quy định và cập nhật ngay vào các dự luật, nghị quyết đang xây dựng.

Theo đó, rà soát để bãi bỏ ngay 30% thủ tục hành chính, quy định với các danh mục, phụ lục cụ thể về điều kiện kinh doanh từ các bộ ngành và thực hiện ngay trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ quan trực thuộc để rà soát, cắt giảm quy định, thủ tục hành chính và cải cách văn hóa của cán bộ công chức.