Nhảy đến nội dung
 

PGS.TS Trần Đình Thiên: Phát triển kinh tế đêm, sân chơi lớn cần ‘tay chơi lớn’

Tiềm năng kinh tế đêm đang dần được đánh thức khi nhiều địa phương bắt đầu khai thác mạnh mẽ các hoạt động “sau hoàng hôn”. Điều này cần sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các “ông lớn” - doanh nghiệp đủ tầm để tạo ra những cú hích khác biệt.

Đó là nhận đinh của PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về bức tranh đa chiều của kinh tế đêm tại Việt Nam. Đây là một xu hướng mới mẻ đầy tiềm năng, nhưng cũng có không ít thách thức. 

- Thưa ông, vì sao kinh tế đêm được xem là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Kinh tế đêm có thể đẩy GDP tăng thêm 20-30%. Nhưng giá trị của kinh tế đêm không chỉ nằm ở con số. Sâu xa hơn, nó mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và khơi dậy sự năng động của con người theo một cách hoàn toàn khác biệt, gắn chặt với kinh tế sáng tạo và văn hóa. Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thời đại tốc độ cao ngày nay, giá trị của kinh tế đêm là không thể xem nhẹ.

Theo cách truyền thống, kinh tế đêm là sự kéo dài của kinh tế ban ngày. Chẳng hạn, ở phố cổ với những quán bia tấp nập hay chợ đêm nhộn nhịp đến 11-12h khuya.

Bên cạnh đó, có một bức tranh kinh tế đêm hiện đại và mang đến những giá trị hưởng thụ mới. Ví dụ những thành phố rực rỡ ánh đèn với các chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc tế hay những màn pháo hoa lộng lẫy, các siêu thị mua sắm - giải trí xuyên đêm. Đà Nẵng, Phú Quốc đang có những chuyển động rất mạnh theo hướng này, phù hợp với xã hội tri thức, sáng tạo và mang tính toàn cầu như hiện nay.

Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, kinh tế đêm cần phát triển hài hòa, đồng nhịp truyền thống và hiện đại. Khi hai tuyến hoạt động này cộng hưởng với nhau, chúng sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm kinh tế đêm, làm đa dạng hơn trải nghiệm cho khách. 

- Thưa ông, đâu là những điều kiện tiên quyết để kinh tế đêm phát triển hiệu quả và mang tính lâu dài tại các điểm đến du lịch?

Bối cảnh thời đại đang đòi hỏi mọi thứ phải tốc độ, nhiều thứ cứ phải “ngay và luôn”. Nhưng riêng với du lịch thì phải có một hành trình dài hơi và bền bỉ, đi liền với quá trình dịch chuyển nhận thức và tiếp biến - giao thoa văn hóa. Mặt khác, để kinh tế đêm nhanh chóng trở nên “rực rỡ”, cần có đột phá và đột biến, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ cao, và khả năng kết nối cả ở phạm vi quốc tế. Để làm được, cần hội tụ nhiều điều kiện.

Thứ nhất, phải có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh để làm hạt nhân thúc đẩy. Ở Việt Nam hiện nay, các tập đoàn du lịch đủ tầm để định hình kinh tế đêm chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Thứ hai, sự ủng hộ nhiệt tình, có văn hóa của chính quyền và dân cư. Việc thay đổi thói quen văn hóa để thích nghi với kinh tế đêm - với ánh sáng chói chang, âm thanh ồn ã, những vấn đề an ninh trật tự, hay định kiến về rủi ro đạo đức - không hề dễ dàng. Đây là câu chuyện của cả một thế hệ, đòi hỏi sự thuyết phục và giáo dục kiên trì. 

Thứ ba, để tạo điều kiện cho kinh tế đêm phát triển, phải có một hệ thống hạ tầng đồng bộ…

- Chúng ta cần nhìn nhận như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển và định hình “chân dung” kinh tế đêm tại Việt Nam?

Để xây dựng và duy trì kinh tế đêm cần có những nền tảng vững chắc, dài lâu. Nhưng để phát triển nhanh và mạnh, phải có những “đầu tàu” đột phá, dẫn dắt - đó chính là các tập đoàn lớn. Thực tế đã chứng minh qua những ví dụ tại Phú Quốc hay Đà Nẵng, nơi kinh tế đêm phát triển đột phá không dừng ở chỗ là một điểm sáng đơn lẻ, mà là một “chùm điểm” gắn kết.

Lấy Đà Nẵng làm ví dụ: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) kéo dài suốt hai tháng với. Sự sắp xếp này không ngẫu nhiên - nó tạo ra không gian, nhịp sống kéo dài, kết nối với Bà Nà qua các show diễn nghệ thuật, nâng tầm điểm đến lên gấp bội. Khu Đà Nẵng Downtown dần trở thành trung tâm kinh tế đêm sôi động. Từ đó, cả một thành phố Đà Nẵng như được đánh thức. 

Không có những tập đoàn lớn dám làm lớn, có khả năng chơi lớn - như Sun Group, Vin Group, v.v. thì e rằng “đường về nhà hãy còn xa lắm”. Tôi muốn nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy: hỗ trợ và thúc đẩy mạnh doanh nghiệp là sống còn. Bởi lẽ, giá trị họ mang lại không chỉ là lợi ích riêng, mà là sự phát triển toàn diện cho cả vùng đất. 

Để phát triển kinh tế đêm, có hai tuyến doanh nghiệp (DN) tham gia chính gồm các DN nhỏ, vừa, các hộ gia đình và vai trò dẫn dắt của những “ông lớn” có tầm nhìn và khả năng chơi “trò chơi lớn”. Ở Việt Nam, Sun Group là điển hình, họ không chỉ triển khai dự án của mình mà còn góp phần quảng bá, cộng hưởng sức mạnh để nâng tầm kinh tế đêm cả nước.

Về vài trò “nhạc trưởng” dẫn dắt và định hình kinh tế đêm, tôi cho rằng, doanh nghiệp lớn cần đảm nhận vai trò “người viết nhạc”, xây dựng chiến lược, tạo ra trò chơi lớn. Trong “dàn nhạc” này, nhà nước và doanh nghiệp cùng hòa nhịp, bổ trợ lẫn nhau. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp mọi thứ chặt chẽ, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

- Xin cảm ơn ông!

Hải Đăng (thực hiện)