Nhảy đến nội dung
 

OPEC+ nỗ lực giành lại thị phần từ Mỹ

Ngày 3/5, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thống nhất đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 6, với mức 411.000 thùng một ngày. Như vậy, tổng cộng trong quý II, OPEC+ sẽ bơm thêm 960.000 thùng mỗi ngày ra thị trường.

Động thái tăng sản lượng lần này do Saudi Arabia khởi xướng. Giới phân tích nhận định việc này không chỉ nhằm trừng phạt những nước trong OPEC+ hưởng lợi từ giá cao nhưng vi phạm quota sản xuất. Mục tiêu thứ hai của họ là gây sức ép lên ngành dầu đá phiến Mỹ để giành lại thị phần.

Từng chiếm hơn một nửa sản lượng dầu toàn cầu, thị phần của OPEC đã giảm từ mức 40% cách đây 10 năm xuống dưới 25% năm nay, theo số liệu của chính tổ chức này. Ngược lại, thị phần của Mỹ lại tăng từ 14% lên 20%. Tính chung cả các đồng minh, nhóm OPEC+ hiện cung cấp khoảng 48% sản lượng dầu thế giới.

Cách đây 10 năm, cuộc chiến giá dầu của OPEC nhằm vào ngành dầu đá phiến Mỹ đã thất bại. Các công nghệ và kỹ thuật khoan mới giúp doanh nghiệp Mỹ giảm chi phí, cạnh tranh ở mức giá thấp hơn, từ đó mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, ngành dầu đá phiến Mỹ hiện nay dễ tổn thương hơn nếu xảy ra một cuộc chiến giá mới. 3 năm qua, chi phí sản xuất của các công ty này đã tăng lên. Lợi nhuận cũng giảm do giá dầu đi xuống, một phần vì tác động kinh tế từ chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump.

Reuters trích các nguồn tin trong ngành cho biết mục tiêu giành lại thị phần là một trong những lý do cho quyết định hôm 3/5 của OPEC+. Dù vậy, không nguồn nào khẳng định đây là một cuộc chiến giá. Nguồn tin của Reuters cho biết để gây thiệt hại cho các hãng dầu đá phiến Mỹ, OPEC+ cần đẩy giá xuống dưới 55-60 USD một thùng, thay vì 65 USD hiện tại.

OPEC+ cho biết họ ra quyết định dựa trên "các yếu tố cơ bản ổn định của thị trường, thể hiện qua mức tồn kho thấp". Tổ chức này ghìm sản xuất từ cuối năm 2022, nhằm ngăn dư cung trên thị trường khiến giá giảm, gây thiệt hại cho các nước thành viên vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, kế hoạch này không phát huy nhiều tác dụng. Cho đến đầu năm nay, nhóm này cắt giảm 5,86 triệu thùng một ngày, tương đương 5,7% nhu cầu toàn cầu. Từ tháng 4, sản xuất của OPEC+ mới dần tăng lên.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng của OPEC+ cũng diễn ra trong bối cảnh các khu vực khai thác dầu đá phiến chất lượng cao nhất tại Permian - mỏ dầu lớn nhất Mỹ - đang dần cạn kiệt. Khi doanh nghiệp phải chuyển sang khai thác các khu vực khác, chi phí sản xuất đã tăng lên. Lạm phát cũng đang gây sức ép lên hoạt động này.

Theo khảo sát quý I của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas với hơn 100 công ty dầu khí tại Texas, New Mexico và Louisiana, các hãng sản xuất dầu đá phiến hiện cần giá trung bình 65 US một thùng mới có lãi. Trong khi đó, chi phí sản xuất dầu của Saudi Arabia chỉ khoảng 3-5 USD một thùng. Còn Nga vào khoảng 10-20 USD, theo ước tính của giới phân tích.

"Đã đến lúc giành lại thị phần bị mất", một nguồn tin OPEC+ cho biết trên Reuters. Saudi Arabia vẫn thường xuyên khẳng định chi phí sản xuất thấp sẽ giúp nước này trụ lại cuối cùng trong bất kỳ cuộc cạnh tranh nào.

Các nguồn tin của Reuters cho biết Nga hiện cũng dần đồng thuận với chiến lược của Saudi Arabia. Đó là tăng sản lượng để trừng phạt các thành viên OPEC+ vượt hạn ngạch, đồng thời gây sức ép lên các đối thủ, trong đó có các hãng dầu đá phiến.

"Nguyên nhân chính gây mất cân bằng thị trường dầu là sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng", một nguồn tin cấp cao của Nga tiết lộ. Nguồn tin này cũng cho rằng việc đưa giá dầu xuống dưới 60 USD một thùng là phù hợp với lợi ích của Moskva, có thể tạo thuận lợi cho xuất khẩu dầu của nước này. Hiện tại G7 cấm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho dầu Nga nếu giá xuất khẩu vượt 60 USD một thùng.

Sau khi giao dịch trong biên độ hẹp 70-80 USD trong phần lớn năm ngoái, giá dầu thô Brent tháng trước có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất 4 năm, với 58 USD một thùng. Nguyên nhân là OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng và nhà đầu tư lo ngại triển vọng kinh tế toàn cầu.

Linhua Guan - CEO Surge Energy America nhận định thời điểm này rất bất lợi cho các hãng dầu Mỹ. Surge Energy America là một trong những hãng dầu tư nhân lớn nhất nước, hoạt động tại lưu vực Permian.

Guan cho biết sản lượng dầu Mỹ năm nay có thể đã giảm rồi, do các mỏ chất lượng cao đã bị khai thác cạn kiệt. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ và thị trường biến động cũng đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

"Việc OPEC+ tăng sản lượng đang khiến thị phần của các hãng dầu đá phiến Mỹ co lại", ông nói.

Đầu tháng này, số lượng giàn khoan tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1, theo dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes. Công ty khai thác đá phiến Diamondback Energy gần đây hạ dự báo sản lượng năm 2025, với lý do bất ổn kinh tế toàn cầu và nguồn cung từ OPEC+ tăng. ConocoPhillips thì cảnh báo mức giá quanh 50 USD một thùng có thể khiến nhiều công ty, kể cả các tập đoàn lớn, phải thu hẹp hoạt động.

Tuy nhiên, cuộc chiến giá sẽ khiến tất cả bên thiệt hại. Giá dầu thấp buộc doanh nghiệp giảm đầu tư, nhân sự và cổ tức. Điều này cũng gây áp lực tài khóa lớn cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính Nga cần giá dầu trên 77 USD để cân bằng ngân sách. Với Saudi Arabia, con số này là trên 90 USD.

Hà Thu (theo Reuters)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn