Ông Trump và chiếc Boeing từ Qatar: Món quà hào phóng hay 'con ngựa thành Troy'?

Một món quà trị giá hàng trăm triệu USD từ Qatar đang đặt ông Trump vào tâm điểm tranh cãi, khi giới chuyên gia cảnh báo về rủi ro an ninh và những hệ lụy ngoại giao khó lường phía sau món quà này.
Ngày 12-5, cả thế giới rộ lên tin tức ông Trump sắp nhận được một món quà đặc biệt từ Qatar - một trong những món quà đắt giá nhất mà chính phủ Mỹ từng được nhận - chiếc máy bay Boeing 747 với nội thất xa hoa và được định giá khoảng 400 triệu USD.
Tuy nhiên, món quà này không đơn giản chỉ là biểu tượng của tình hữu nghị, theo Hãng tin Bloomberg. Giới chức tình báo và ngoại giao Mỹ đang bày tỏ lo ngại sâu sắc về các nguy cơ tiềm ẩn từ một món quà tưởng chừng như "rất hào phóng" này.
Tiềm ẩn rủi ro an ninh
Theo nhiều chuyên gia an ninh, việc một tổng thống hoặc bất kỳ nhân vật cấp cao nào của Mỹ sử dụng phương tiện do chính phủ nước ngoài cung cấp là một nguy cơ hiện hữu, đặc biệt khi món quà đó là một máy bay có thể chở theo hàng chục người và chứa đầy thiết bị điện tử.
"Nếu chúng tôi chế tạo một chiếc máy bay và biết rằng nó sẽ được trao cho một chính phủ nước ngoài, chúng tôi gần như chắc chắn sẽ gắn thiết bị nghe lén vào đó", ông Thad Troy, cựu trưởng trạm Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nói.
Ông nhắc lại kinh nghiệm từng sống tại Matxcơva thời điểm Chiến tranh lạnh diễn ra, khi Đại sứ quán Mỹ bị tháo dỡ từng viên gạch để tìm và loại bỏ thiết bị giám sát cài trong bê tông.
Ngoài ra, nếu muốn sử dụng chiếc Boeing này thay thế cho chuyên cơ Air Force One chuyên chở tổng thống Mỹ, máy bay cần được cải tạo toàn diện để đáp ứng được các tiêu chuẩn: gia cố vỏ ngoài để chống chịu được các vụ nổ và tấn công, trang bị khả năng tiếp nhiên liệu trên không, hệ thống liên lạc mật và thậm chí là hệ thống vũ khí chuyên dụng.
Ông Troy cho biết quá trình kiểm tra và cải tạo sẽ không hề nhanh chóng. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và giới tình báo sẽ phải tháo rời từng bộ phận của máy bay, mất nhiều tháng - hoặc thậm chí nhiều năm - để rà soát toàn bộ nhằm phát hiện bất kỳ thiết bị theo dõi hay cơ chế giám sát nào có thể tiết lộ vị trí hoặc hoạt động của tổng thống.
"Đây là lý do vì sao việc chế tạo Air Force One tốn rất nhiều thời gian. Có quá nhiều thiết bị và lớp bảo vệ cần được lắp đặt để đảm bảo an toàn cho tổng thống", ông nói thêm.
Phép thử ngoại giao
Dù từng công khai trách Boeing tụt hậu, ông Trump hiện lại tỏ ra ủng hộ việc nhận món quà.
Trên sóng Fox News khi đang trên đường đến Saudi Arabia, ông tuyên bố: "Một số người nói, 'Ồ, ông không nên nhận quà từ nước ngoài'. Nhưng thái độ của tôi là tại sao lại không nhận quà? Trong khi chúng ta đang tặng quà cho tất cả các nước khác".
Ông còn so sánh chiếc máy bay với các phi cơ của các quốc vương vùng Vịnh: "Tôi tin rằng nước Mỹ cần sở hữu chiếc máy bay ấn tượng nhất".
Tuy nhiên, phản ứng trong chính nội bộ những người ủng hộ ông lại không đồng thuận.
"Hãy thử đổi tên người nhận thành Hunter Biden và Joe Biden xem liệu chúng ta có chấp nhận được không? Tổng thống Trump đã hứa sẽ 'làm sạch vũng lầy'. Nhưng việc này rõ ràng không phải vậy", bình luận viên bảo thủ Ben Shapiro nhắc đến khẩu hiệu nổi bật của ông Trump khi tranh cử năm 2016 về việc xóa bỏ tham nhũng và đặc quyền chính trị ở Washington.
Laura Loomer, một nhà hoạt động cực hữu và là người từng tuyên bố sẵn sàng "đỡ đạn vì ông Trump", cũng đăng trên mạng xã hội: "Nếu điều này là thật, nó sẽ là một vết nhơ thật sự với chính quyền".
Trong khi đó, các chuyên gia về an ninh quốc tế cảnh báo việc nhận quà từ một quốc gia như Qatar - nơi vừa là đồng minh lâu năm của Mỹ, vừa là nơi đặt văn phòng chính trị của Hamas - có thể khiến thông tin nhạy cảm rơi vào tay những thế lực không mong muốn.
Tuy nhiên, ông Der Derian cũng cảnh báo rằng từ chối món quà không hẳn là lựa chọn đơn giản. Trong văn hóa Ả Rập, việc tặng quà mang giá trị nghi lễ cao, và từ chối có thể bị xem là xúc phạm.
"Chiếc máy bay này đang mang một giá trị biểu tượng rất lớn", ông nói. "Nếu từ chối, có thể không chỉ khiến Qatar mà cả các nước Ả Rập khác cũng phật ý, khi họ vốn xem lòng hiếu khách là yếu tố quan trọng trong quan hệ đối ngoại".